Thứ 7, 27/04/2024 01:37:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:04, 10/08/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN BÌNH PHƯỚC (29-6) VÀ NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN 10-8

Vượt qua nỗi đau da cam

Thứ 2, 10/08/2015 | 15:04:00 256 lượt xem
BP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hằng ngày, nỗi đau mang tên chất độc da cam/dioxin vẫn hiện diện trong nhiều gia đình, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Ước mơ dở dang, hạnh phúc không trọn vẹn... bởi chất độc quái ác với tận cùng nỗi đau mà nhiều nạn nhân đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn ý nghĩa vì cộng đồng xã hội luôn chung tay, góp sức giúp họ vượt qua nỗi đau.

CHUYỆN CỦA THẮM

Đến ấp Thuận An, xã Thuận Lợi (Đồng Phú), chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thắm (SN1988). Tuy đã trưởng thành nhưng thân hình Thắm bị biến dạng và nhỏ thó, do ảnh hưởng chất độc da cam từ cha. Hình hài khiếm khuyết nhưng Thắm lanh lợi, biết chăm lo cho gia đình. Gia đình Thắm có 3 chị em, Thắm là chị cả, em trai (SN1994) và em gái (SN1998). 3 chị em Thắm đều bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin từ cha.

Nguyễn Thị Thắm (đầu tiên bên phải) luôn cố gắng để vượt qua bất hạnh do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin

Không bị ảnh hưởng nặng như các em nên Thắm biết được những gì mà bản thân và gia đình đang gánh chịu. Tuổi thơ Thắm thiệt thòi, tự ti, mặc cảm trước thân hình của mình, đi học bị bạn bè chọc ghẹo. “Nhiều lần em bị các bạn ném đá và không cho chơi chung. Lúc đó, em chỉ biết khóc và chạy về mách cha mẹ. Em không biết những khiếm khuyết, dị tật trên cơ thể mình là gì, đến khi lớn lên mới biết đó là di chứng của chất độc hóa học trong chiến tranh” - mắt Thắm đượm buồn.

Cả gia đình 5 người chỉ có mẹ Thắm là bà Đỗ Thị Thúy (SN1958) không bị ảnh hưởng bởi chất độc quái ác này. Năm 2012, cha Thắm qua đời. Từ đó, Thắm càng thêm nặng gánh vì phải thay cha cùng mẹ lo cho các em. Hằng ngày, Thắm cùng gia đình cạo điều thuê cho một xưởng gần nhà với thu nhập khoảng 100 ngàn đồng. Có những ngày cơ thể đau nhức vì di chứng, nhưng Thắm vẫn cố gắng đi làm.

Như bao đứa trẻ khác, Thắm ước mơ mình trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng. Lớn lên, Thắm cũng khát khao có một gia đình riêng nhưng mọi thứ trở nên xa vời. Tuy chịu nhiều bất hạnh nhưng Thắm chưa bao giờ hờn trách số phận: “Em thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn khác. Có những bạn phải nằm một chỗ, không biết nói, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác. Hơn nữa, em còn người thân giúp em có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

CHUNG TAY LÀM DỊU NỖI ĐAU

Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thuận Lợi cho biết: “Các nạn nhân chất độc da cam đều rất thương tâm. Gia đình họ chỉ mong sinh được một đứa con lành lặn. Có gia đình hai đến ba người con cùng bị phơi nhiễm. Hầu hết những nạn nhân chất độc da cam không có khả năng hay rất khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, chưa nói đến lao động. Họ lại thường xuyên đau ốm nên kinh tế khó khăn”.

Hiện trên địa bàn xã Thuận Lợi có 18 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thời gian qua, ngoài thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, xã Thuận Lợi còn vận động các nhà hảo tâm, quyên góp ở nhiều đối tượng xây tặng 4 căn nhà tình nghĩa. Hằng năm, mỗi cán bộ, công chức UBND xã đều ủng hộ 3 ngày lương tặng các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, phần nào giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhất là dịp lễ, tết.

Chia tay Thắm, những người có mặt đều cảm phục cách em vượt qua mặc cảm, bệnh tật để sống có ích. Em là tấm gương sáng để những người có cùng hoàn cảnh vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Trang Hương

  • Từ khóa
52089

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu