Thứ 7, 27/04/2024 07:02:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:37, 02/08/2019 GMT+7

Nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi từ chăn nuôi thả rông

Thứ 6, 02/08/2019 | 06:37:00 281 lượt xem

BP - Hiện trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn (heo) châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và đang bùng phát ở 48 xã, phường, thị trấn. Từ ổ dịch đầu tiên phát hiện ngày 8-5-2019 ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú), đến nay 11 huyện, thị xã, thành phố đều có dịch, gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế người chăn nuôi cũng như nhiều mặt đời sống xã hội. Công tác ứng phó và ngăn chặn đang được các cấp, ngành, cơ sở tích cực thực hiện. Tuy nhiên, khu vực vùng sâu, xa, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, người dân có thói quen chăn nuôi heo thả rông đang gây rất nhiều khó khăn trong kiểm soát, tiêu hủy heo bệnh và khiến bệnh lây lan nhanh hơn...

Khó kiểm soát

Hộ bà Thị Năm ở thôn Bù Ka 2, xã Long Hà (Phú Riềng) có heo mắc bệnh và chết do dịch tả heo châu Phi. Ngày 25-5, lực lượng chức năng đến bắt số heo bệnh còn lại đưa đi tiêu hủy thì đàn heo chạy mất. Thời gian sau, đàn heo của gia đình bà Năm mới trở về và tiếp tục chết. Bà Năm cho biết: “Người dân ở đây nuôi thả quen rồi. Heo nuôi thả tự do kiếm ăn sẽ mau lớn và thịt ngon hơn. Thấy heo bệnh muốn bắt về nhưng khó lắm! Heo đến các vũng lầy, bờ suối càng khó bắt hơn. Khi nào heo muốn thì tự về thôi”. Ông Điểu Lui ở cùng thôn nói thêm: “Mình nuôi thả quen rồi, có biết dịch bệnh gì đâu. Heo tự kiếm ăn, sinh sản, biết bao nhiêu con đâu mà bắt giữ cho hết. Nếu có bắt về cũng không có chuồng để nhốt lại”.

Tiêu hủy heo bị dịch bệnh tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú

Riêng trong tháng 5-2019, ổ dịch tại thôn Bù Ka 2 có hơn 200 con heo chết, lực lượng chức năng phải trực tiếp bắt và tiêu hủy hơn 100 con mắc bệnh. Trường hợp đầu tiên được phát hiện tại thôn Bù Ka 2, xã Long Hà vào ngày 20-5. Đây là thôn có 100% hộ dân tộc thiểu số sinh sống và có thói quen chăn nuôi thả rông. Khi mới xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi không cho lực lượng chức năng tiêu hủy heo bệnh. Vì thế, việc vận động, tuyên truyền phải mất nhiều thời gian, công sức, người chăn nuôi mới đồng ý tiêu hủy heo bệnh. Vì heo thả rông di chuyển nhiều nên khu vực lây nhiễm phát tán càng rộng. Đây là nguyên nhân khiến bệnh dịch tả heo châu Phi lan rộng trong thôn Bù Ka 2 và hiện vẫn tiếp tục có heo chết vì dịch bệnh chưa thể kiểm soát hết. Theo thống kê cả huyện Phú Riềng đến cuối tháng 7, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 77 hộ/14 thôn/6 xã gồm 699 con heo bị tiêu hủy với tổng trọng lượng 37.980kg.

Toàn tỉnh hiện có 665.700 con heo, trong đó hơn 540 ngàn con nuôi tại 251 trang trại; 123.903 con nuôi ở 10.800 hộ với hình thức nhỏ lẻ. Trong khi đó, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú ngày 8-5, đến nay dịch đã xuất hiện tại 48 xã, phường, thị trấn ở cả 11 huyện, thị, thành phố. 244 hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy hơn 5.300 con heo bị dịch bệnh. Hiện 7 xã, phường, thị trấn đã trải qua 30 ngày không phát sinh dịch nên ngành chức năng đang làm thủ tục công bố hết dịch. Đáng lo ngại nhất vẫn là nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa có đất vườn, rẫy rộng như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh luôn gắn với lối chăn nuôi thả rông. Từ đó, nỗi lo lây lan dịch bệnh do số heo nuôi thả rông càng lớn. Ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập lo lắng: “Chúng tôi chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch tả heo châu Phi khi số heo nuôi thả rông của đồng bào chưa kiểm soát được, mặc dù cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để phòng, chống dịch; tuyên truyền vận động người dân nuôi nhốt trong thời gian dịch bệnh để phòng tránh”.

Ông Đỗ Văn Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng cho biết: “Cùng với các biện pháp tiêu độc, khử trùng đối với khu vực phát hiện bệnh và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thì khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Các ban, ngành, đoàn thể xác định được hộ có dịch khi vào tiêu hủy heo theo quy định thì chủ nhà đi vắng hoặc các hộ không nhận heo của gia đình bị bệnh nên rất khó khăn trong tiêu hủy heo bệnh”.

Nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng

Thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện Tháng tiêu độc, khử trùng phun hóa chất khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật với khoảng gần 4.000 lít hóa chất. Để khoanh vùng, dập dịch, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành phố đã ứng thêm 178 lít hóa chất và hơn 4.700kg vôi bột về phục vụ phòng dịch. Tuy nhiên, đến nay dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục lan rộng. Trong đó, tất cả ổ dịch xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán chăn nuôi thả rông đã khiến công tác dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Vì tính cấp bách của dịch bệnh, ngoài tham gia họp trực tuyến, thực hiện chỉ đạo từ Trung ương, UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã, thành phố, ngành chức năng tìm giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường chăn nuôi theo phương pháp sinh học; tích cực thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa tại các quán ăn, nhà hàng để nuôi heo khi chưa qua xử lý, đặc biệt, không giấu dịch... Trên địa bàn tỉnh đã lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời tại đầu mối giao thông chính ra vào tỉnh, gồm: tại xã Phú Sơn (Bù Đăng) trên quốc lộ 14, tiếp giáp tỉnh Đắk Nông; xã Thành Tâm (Chơn Thành) trên quốc lộ 13, tiếp giáp tỉnh Bình Dương và xã Tân Lập, huyện Đồng Phú trên đường ĐT741, tiếp giáp tỉnh Bình Dương.

Để các cấp, ngành, các huyện, thị, thành phố khẩn trương dập dịch và không để lan rộng, thay mặt UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đã quyết định: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phối hợp các xã tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều hộ chăn nuôi heo thả rông để cấp miễn phí lưới B40 cho các hộ khoanh nuôi, dễ kiểm soát nếu có dịch bệnh xảy ra. Đây là giải pháp ít tốn kém nhưng dễ kiểm soát nhất về dịch bệnh có thể xảy ra ở đàn heo thả rông hiện nay.

N.T

  • Từ khóa
62605

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu