Thứ 7, 27/04/2024 09:51:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:10, 30/03/2015 GMT+7

Nghị định và thực tế quá xa nhau

Thứ 2, 30/03/2015 | 10:10:00 1,315 lượt xem

BP - Ngày 7-4-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Nghị định gồm 7 chương, 29 điều có hiệu lực thi hành từ 25-5-2014. Sau gần 10 tháng đi vào thực tế cuộc sống, mọi chuyện vẫn “án binh bất động” vì giữa nghị định và thực tế vẫn còn một khoảng cách quá lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các quy định trong nghị định này chỉ tồn tại... trên giấy!

Điều 11 của nghị định quy định, người giúp việc phải báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; riêng trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng kỳ hạn; không được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh theo hợp đồng lao động; bị ốm đau, tai nạn không thể tiếp tục làm việc thì có thể báo trước 3 ngày. Đồng thời, người giúp việc được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không phải báo trước trong các trường hợp: Bị người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình ngược đãi, xúc phạm, quấy rối tình dục; phát hiện thấy điều kiện làm việc có nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe của bản thân, đã báo cho người sử dụng lao động biết mà chưa được khắc phục; có thiên tai, hỏa hoạn nên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động...

Trên thực tế, rất nhiều người giúp việc gia đình (mọi người quen gọi là ô-sin) làm việc theo hợp đồng miệng nên tự do “thích thì làm, không thích thì nghỉ”. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ sau tết Nguyên đán là nhiều gia đình ở các thành phố, thị xã phải chạy đôn chạy đáo tìm người giúp việc nhà vì ô-sin cũ sau khi nghỉ tết đã ở lại quê, không lên làm việc nữa. Trong trường hợp này thì quy định “phải báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” đã bị bỏ qua vì không có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với người lao động.

Việc người sử dụng lao động phải “bao” tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động càng khó khả thi. Điều 19 của Nghị định 27 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm. Ở đây, cả hai phía (người sử dụng lao động và người lao động) đều khó tìm được tiếng nói chung. Phía người sử dụng lao động muốn cắt khoản này để giảm chi phí. Trong khi người lao động nếu có được trả thêm thì cũng không sử dụng số tiền này để lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bản thân. Bởi nhiều người quan niệm rằng, đã đi làm ô-sin thì làm ngày nào biết ngày đó!?

Bên cạnh đó, nghị định còn quy định mức tiền lương của người giúp việc (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động) do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; trong đó chi phí ăn, ở hàng tháng của người giúp việc không được vượt 50% mức tiền lương. Trong trường hợp người giúp việc phải bồi thường do làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền khấu trừ vào tiền lương nhưng mức khấu trừ không quá 30% mức tiền lương hàng tháng của người giúp việc. Về chế độ nghỉ ngơi, người giúp việc phải được nghỉ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục; mỗi tuần được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục; mỗi năm được nghỉ 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương nếu người giúp việc có đủ 12 tháng làm việc...

Nghị định 27 của Chính phủ ra đời tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động là giúp việc gia đình. Tuy nhiên, cả hai phía đều “bỏ qua” thủ tục pháp lý quan trọng nhất là ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản mà chỉ hợp đồng miệng nên tất cả chỉ là... lời nói gió bay. Vì vậy, những quy định rất chi tiết, cụ thể, rõ ràng của nghị định vẫn chỉ tồn tại trên văn bản, giấy tờ mà thôi.

Chính Trực

  • Từ khóa
12773

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu