Thứ 7, 27/04/2024 06:24:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:27, 10/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài

Thứ 3, 10/02/2015 | 13:27:00 5,761 lượt xem

BP - Quy định về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài, tại Điều 765 của Bộ luật dân sự hiện hành có quy định như sau: 1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này. 2. Trong trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được xác định theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, cách quy định như trên là không đầy đủ và không phù hợp. Bởi vì, trong giao dịch dân sự có pháp nhân tham gia với tư cách là một bên quan hệ, việc xác định xem một pháp nhân có tư cách thực hiện một giao dịch dân sự hay không và thực hiện như thế nào phải căn cứ vào quy chế riêng của pháp nhân chứ không phải căn cứ vào năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân. Quy chế riêng của pháp nhân bao gồm: Thứ nhất là những giao dịch dân sự mà một pháp nhân có thể tham gia (cụ thể ở nước ta hiện nay, điều này được ghi nhận trong giấy phép kinh doanh của pháp nhân). Thứ hai, trình tự thành lập và giải thể pháp nhân. Thứ ba, đại diện của pháp nhân theo pháp luật (điều này được quy định trong giấy phép kinh doanh của pháp nhân). Thứ tư, thanh lý tài sản của pháp nhân. Theo pháp luật của phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay, quy chế riêng của pháp nhân được xác định theo pháp luật mà pháp nhân có quốc tịch.

Ngoài ra, theo ý kiến của tôi thì cần bỏ Khoản 2, Điều 765: Vì thứ nhất là nếu hiểu năng lực pháp luật của pháp nhân là những trường hợp giao dịch dân sự mà pháp nhân có thể tham gia theo quy định của pháp luật thì phải được xác định theo pháp luật quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch. Thứ hai, khi tham gia vào các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tại quốc gia sở tại, pháp nhân nước ngoài có một số quyền nhất định. Đó là, các pháp nhân nước ngoài có thể thực hiện một số hợp đồng không cần có sự cho phép đặc biệt. Thông thường đó là các hợp đồng thương mại với các cá nhân và pháp nhân quốc gia sở tại có quyền ký kết các hợp đồng đó. Trong khi thực hiện các hợp đồng trên, pháp nhân nước ngoài không thể viện dẫn vào những hạn chế về quyền hạn của đại diện pháp nhân mà hạn chế đó xa lạ với pháp luật của các quốc gia nơi đại diện của pháp nhân thực hiện hợp đồng; pháp nhân nước ngoài có quyền bảo vệ lợi ích của mình tại tòa án quốc gia sở tại không cần một giấy phép đặc biệt.

Điều này được thừa nhận ở các quốc gia vì mục đích bảo vệ lợi ích hợp pháp của pháp nhân nước ngoài cũng như nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, việc thừa nhận đó là cần thiết để đảm bảo cho các pháp nhân quốc gia sở tại cũng có quyền như vậy ở quốc gia nước ngoài tương ứng; các pháp nhân nước ngoài có quyền đặt các chi nhánh đại diện theo trình tự của pháp luật quốc gia sở tại; các pháp nhân nước ngoài có quyền tham gia vào một số lĩnh vực nhất định theo các giấy phép đặc biệt (trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài). Như vậy, việc quy định như trên là không cần thiết và không phù hợp. Do đó, điều này cần được sửa lại như sau: “Quy chế riêng của pháp nhân được xác định theo pháp luật mà pháp nhân có quốc tịch”.

Như vậy, cách quy định này vừa khách quan và công bằng với cả pháp nhân Việt Nam và pháp luật nước ngoài, vừa khắc phục được chỗ hổng của pháp luật nước ta. Đồng thời, điều này sẽ vừa thúc đẩy các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát triển vừa nâng cao uy tín trật tự pháp lý của nước ta. Bởi, trong lĩnh vực pháp luật dân sự, việc điều chỉnh pháp luật càng đảm bảo sự tự nguyện, bình đẳng giữa các chủ thể bao nhiêu thì lợi ích chính đáng của các bên càng được bảo vệ tốt bấy nhiêu.

Như Nhất

  • Từ khóa
12579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu