Thứ 7, 27/04/2024 04:19:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:15, 13/02/2016 GMT+7

Mùa xuân đầu tiên của đồng bào Hơmông trên nông trường cao su Bình Phước

Thứ 7, 13/02/2016 | 09:15:00 261 lượt xem
BP - Buổi sáng một ngày cuối năm, trong tiết trời se lạnh, đi dưới hàng cây cao su của Nông trường Tân Hòa II (Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước) đang thay màu áo mới, chúng tôi cảm nhận rõ hương xuân đang về. Mùa xuân này cũng là sự khởi đầu của đồng bào Hơmông trên các nông trường cao su Bình Phước. Đó là những gia đình trẻ đang tạm rời xa vùng lòng chảo trên cao nguyên trùng điệp của miền Tây tỉnh Nghệ An để tìm kế mưu sinh ở thủ phủ cao su.

Mới vào Bình Phước song gia đình anh Lò Bá Và đang có kế hoạch định cư lâu dài trên quê hương mới

Nhiều chính sách ưu đãi đồng bào dân tộc thiểu số

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Ngoài đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, năm 2015, các nông trường của công ty đón nhận nhiều công nhân là đồng bào Hơmông ở tỉnh Nghệ An. Lãnh đạo công ty, Ban chấp hành công đoàn luôn kịp thời thực hiện tốt các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, động viên người lao động. Những ngày lễ, tết, lãnh đạo công ty, công đoàn đến tận nơi thăm hỏi và tặng quà giúp đồng bào dân tộc thiểu số gắn kết bền vững với công ty.

Anh Và Bá Xử (27 tuổi), người lớn tuổi nhất và có uy tín trong tổ công nhân đồng bào Hơmông, cho biết: “Những người đến Bình Phước làm công nhân cạo mủ cao su đều là anh em trong một bản ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là xã nghèo, nằm trong thung lũng được bao quanh bởi núi rừng với độ cao khoảng 1.400m, thuộc huyện biên giới tiếp giáp nước bạn Lào và cách thành phố Vinh hơn 400km. Người dân Mường Lống quanh năm vất vả trên nương rẫy để trồng lúa, bắp, sắn (mì)... nuôi bò, dê nhưng vẫn thiếu đói. Giữa năm 2015, vào làm công nhân nông trường cao su, chúng tôi được ở trong những căn phòng tập thể xây gạch sạch sẽ, có điện, nước đầy đủ và tivi. Cán bộ nông trường cũng thường xuyên vào thăm hỏi, động viên chúng tôi”.

Chị Lau I Chò (21 tuổi) đã có 2 con nhỏ chia sẻ: “Ở nhà làm nương ban ngày, vào Bình Phước phải đi cạo mủ ban đêm trong lô cao su rộng lớn, em thấy sợ. Tuy nhiên, được cán bộ nông trường hướng dẫn tận tình nên nhanh biết cạo, tháng đầu tiên em xếp loại B nhưng nay đã lên loại A. Vợ chồng em mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng. Chúng em còn được đóng bảo hiểm và hưởng các quyền lợi khác. Em mừng lắm và quyết tâm chăm chỉ lao động để sau này đón các con vào Bình Phước sinh sống”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Bí thư chi bộ, Giám đốc Nông trường Tân Hòa II cho biết: Khi giá mủ cao su rớt liên tục, số lượng công nhân khai thác giảm hẳn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã gửi thông báo tuyển dụng công nhân ở các tỉnh phía Bắc, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 4-2015, Nông trường Tân Hòa II tiếp nhận 30 công nhân đồng bào Hơmông. Chúng tôi bố trí cho công nhân là đồng bào Hơmông cùng ăn, ở, sinh hoạt miễn phí tại một khu tập thể với đầy đủ điện, nước để phù hợp phong tục, tập quán của họ. Nông trường còn trang bị các vật dụng cần thiết như nồi, xoong, chảo, mùng, mền... Thời gian tới, nông trường tiếp tục tạo điều kiện đào tạo miễn phí, cho người giỏi việc biết tiếng đồng bào kèm cặp, hướng dẫn để nâng cao tay nghề cho một số công nhân còn yếu về kỹ thuật. Hiện ngoài tiền lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, công nhân còn được chi trả tiền thưởng, chế độ độc hại, ốm đau, thai sản, hỗ trợ tiền ăn trưa...

Sau những giờ lao động vất vả, đàn ông Hơmông phụ trông con để vợ đảm đang công việc nội trợ

Cho một mùa xuân mới

Làng công nhân đồng bào Hơmông trên các nông trường thuộc Công ty cao su Bình Phước phần lớn là những cặp vợ chồng trẻ đang nuôi con nhỏ. Khác với cuộc sống nương rẫy trước đây, hiện họ phải đi làm từ 1-2 giờ sáng và về nhà khi mặt trời đã đứng ngọn cao su. Để yên tâm lao động, các gia đình trẻ thuê bảo mẫu từ quê vào trông em bé. Chàng trai Lò Bá Lìa mới 18 tuổi, không biết chữ nhưng khéo chăm sóc trẻ con. Cả khu tập thể đồng bào Hơmông của nông trường có 5 cặp vợ chồng mang theo con nhỏ. Đứa nhỏ nhất chỉ mới 8 tháng tuổi và đứa lớn nhất 20 tháng. Từ ngày vào làm bảo mẫu, Bá Lìa phải dậy từ 12 giờ đêm để đón các cháu và đảm nhận hết công việc chăm sóc trẻ khi các bà mẹ đi vắng. Đây là công việc không hề dễ dàng đối với một chàng trai trẻ.

Lò Bá Lìa không nói được tiếng Việt nhưng nhìn những cử chỉ, nụ cười khi người bạn phiên dịch lại, chúng tôi thấy Lìa rất vui với công việc hiện tại. Qua phiên dịch chúng tôi được nghe Bá Lìa chia sẻ: “Công việc giữ trẻ không khó. Có tình yêu trẻ thì làm được hết. Mặc dù ban đầu hơi mệt nhưng giờ em thấy bình thường. Hằng ngày, khi các anh chị dậy đi làm, 5 cháu nhỏ được chuyển qua phòng em cho dễ trông. Một vài bé tỉnh giấc khóc đòi cha, mẹ nên em phải hát ru. Em hát ru liên hồi, bài này qua bài khác rồi cho uống nước, uống sữa, làm mọi cách để các bé ngủ. Ban ngày, khi mẹ chưa về, em tắm giặt, vệ sinh và cho bé ăn. Sau tết, nếu các anh chị cần trông trẻ thì em lại vào tiếp”.

Niềm vui hằng ngày trên quê hương Bình Phước của vợ chồng chị Lau I Chò

Hơ Bá Dia (24 tuổi), công nhân khai thác tổ 1, Nông trường Tân Hòa II, cho biết: “Em mới vào làm công nhân cạo mủ được 3 tháng. Tháng đầu tiên học việc nên chỉ được công ty hỗ trợ tiền ăn. Sang tháng thứ hai, em nhận được 6 triệu đồng tiền lương. Số tiền cao hơn nhiều so với làm ở quê. Em chỉ giữ lại 2 triệu đồng chi tiêu còn 4 triệu đồng gửi biếu cha mẹ. Ngoài lương hằng tháng, em còn được đóng bảo hiểm và hưởng các quyền lợi khác. Em đang cố gắng học hỏi nâng cao tay nghề, tăng sản lượng mủ khai thác để tết này bố mẹ sung túc hơn”.

Gia đình anh Lò Bá Và và chị Vừ I Lì mang theo con nhỏ vào nông trường cao su để mưu sinh. Hiện mỗi tháng, vợ chồng anh Lò Bá Và thu nhập gần 10 triệu đồng. Với thu nhập này, họ đã mua được xe máy đi làm, sắm điện thoại mới, nuôi các con và gửi tiết kiệm. Anh Lò Bá Và nói: “Chúng tôi đang từng ngày thay đổi cuộc sống trên vùng đất mới. Nếu mức thu nhập ổn định, Bình Phước sẽ là quê hương thứ 2 của chúng tôi”.

Tết cổ truyền đang đến gần làm nôn nao những người con Hơmông trên các nông trường cao su. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng những gia đình công nhân Hơmông trẻ vẫn tràn đầy phấn khởi và tự tin đón tết Bính Thân ấm áp hơn năm cũ.

Thái Hà

  • Từ khóa
53505

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu