Thứ 7, 27/04/2024 02:40:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:43, 08/03/2013 GMT+7

Mua bán xe sau 30 ngày không sang tên sẽ bị phạt

Thứ 6, 08/03/2013 | 15:43:00 2,120 lượt xem

LTS: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-10-2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dưới đây là những nội dung chính của thông tư này.

* Xử phạt trường hợp không mang theo giấy có liên quan:

Theo quy định tại Điều 6 của thông tư này, tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mà người đó trình bày là có nhưng không mang theo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo quy định; tạm giữ phương tiện theo quy định.

Trong thời hạn hẹn giải quyết, trường hợp người có thẩm quyền chưa ra quyết định xử phạt, người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; ký, ghi rõ họ, tên; báo cáo người có thẩm quyền trả lại phương tiện bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.

Trong thời hạn hẹn giải quyết, trường hợp người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt về hành vi không có giấy tờ theo quy định, người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định, thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; ký, ghi rõ họ, tên; báo cáo với người có thẩm quyền để hủy quyết định xử phạt về hành vi không có giấy tờ theo quy định, trả lại phương tiện bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.

Hết thời hạn hẹn giải quyết, người vi phạm mới xuất trình được giấy tờ theo quy định, thì phải chấp hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính.

* Xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện:

Trong trường hợp xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.

* Xử phạt chủ phương tiện để cho người không đủ điều kiện điều khiển:

Người không đủ điều kiện theo quy định mà điều khiển xe tham gia giao thông được hiểu là người không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định, không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng phù hợp với loại xe đang điều khiển.  

Giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông là hành vi chủ phương tiện biết rõ người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện nhưng vẫn cho người này mượn, thuê, điều động... để trực tiếp điều khiển xe tham gia giao thông.

Cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông là hành vi chủ phương tiện biết người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện mà không ngăn cản, để mặc... cho họ trực tiếp điều khiển xe tham gia giao thông.

Khi có căn cứ xác định chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông thì xử phạt theo quy định.  

* Nghĩa vụ của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:

Chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là chủ xe) là cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe. Trường hợp cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe đã thực hiện giao dịch bán, cho, tặng phương tiện hoặc chuyển quyền thừa kế tài sản là phương tiện cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng phương tiện hoặc được thừa kế tài sản là phương tiện được gọi là chủ xe. Chủ xe hoặc người đại diện hợp pháp (nếu chủ xe là cơ quan, tổ chức) khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng về việc sử dụng phương tiện để vi phạm, có nghĩa vụ:

Yêu cầu người điều khiển phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến, phải xuất trình thông báo về việc sử dụng phương tiện để vi phạm và các giấy tờ theo quy định.

Trường hợp không xác định được người điều khiển phương tiện hoặc người này không thực hiện quy định, thì phải trực tiếp đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến giải quyết phải xuất trình thông báo về phương tiện sử dụng để vi phạm, giấy đăng ký xe và phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm.

TH

  • Từ khóa
23014

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu