Thứ 6, 26/04/2024 08:23:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:22, 14/03/2014 GMT+7

Trường mầm non Minh Thắng: Mới sử dụng đã xuống cấp

Thứ 6, 14/03/2014 | 10:22:00 225 lượt xem

Công trình mới xây đã xuống cấp

Quyết định số 5833/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Chơn Thành ngày 30-10-2009 quy định, trường Mầm non Minh Thắng, xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành có thiết kế hai tầng (bao gồm 10 phòng) trên diện tích 579,6m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 1.159m2. Kết cấu chịu lực chính là móng, cột, đà kiễng, dầm, sàn, cầu thang bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch và trát bả matit, sơn nước. Tường trong khu vực nhà vệ sinh phải ốp gạch men cao 1,8m, cửa đi, cửa sổ đều bằng sắt kính, đóng trần thạch cao khung nổi. Công trình do Ban quản lý dự án huyện Chơn Thành làm chủ đầu tư, Công ty TNHH tư vấn Đạt Hòa là đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật... với tổng dự toán trên 5,5 tỷ đồng.


Các phòng học đều bị nấm mốc, sơn tường bong tróc… nguy hiểm rình rập giáo viên và học sinh

Tháng 9-2011, trường khánh thành đi vào hoạt động trước niềm vui của giáo viên và phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng sử dụng ngôi trường đã có dấu hiệu xuống cấp. Cô Nguyễn Thị Diệu Linh, Hiệu phó bán trú cho biết: “Lúc khánh thành trường, tôi đang là giáo viên đứng lớp. Sau khoảng 2 tháng, tôi vô cùng bất ngờ khi hệ thống ống nước trong khu vực vệ sinh của trẻ bắt đầu rơi dần ra. Sử dụng được 1 năm, các bức tường bắt đầu thấm nước mọc rêu. Bể chứa nước bằng bê tông cũng bị thấm và nước cạn dần sau một đêm không sử dụng. Nay sự xuống cấp càng nghiêm trọng hơn. Tất cả các bể chứa bê tông đều không sử dụng được, trường phải dùng thùng nhựa thay thế. Mặc dù trường đã có đơn kiến nghị gửi các cấp và Ban quản lý dự án huyện Chơn Thành nhưng họ chỉ mang xi măng đến trám các bể nước và hệ thống điện một lần rồi mất hút”.

Lớp nhóm 1 của cô giáo Trần Thị Mai phải nhờ phụ huynh phụ lau dọn. Không chỉ có hiện tượng thấm mốc, các phòng học đều bị bong tróc từng mảng sơn tường, trần nhà. Khu vực rửa tay của trẻ (hành lang phía sau, tầng trệt) nền bị sụt lún. Khu hành lang cũng xuất hiện những đường nứt dài. Cô Trần Thị Mai cho hay: “Sau một thời gian bị bong tróc từng mảng vôi xung quanh, quạt trần không quay được nữa. Nước nhỏ giọt liên tục. Vào mùa mưa ngồi trong lớp học chúng tôi phải lấy thau hứng nước”. Hệ thống bản lề cửa, nhất là cửa nhà vệ sinh và bồn rửa tay của trẻ đều bị han gỉ, lung lay... là mối nguy hiểm cho giáo viên và học sinh.

 Cần sớm khắc phục

Dẫn chúng tôi tham quan các phòng học của trẻ, cô Phạm Thị Phượng, Hiệu trưởng chia sẻ: “Đầu năm học 2013-2014, tôi được chuyển về trường Mầm non Minh Thắng. Nhìn cơ ngơi mới, tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn tôi phải tiếp nhận nhiều phản ánh, bức xúc của giáo viên, phụ huynh về tình trạng xuống cấp trong các phòng học”.

 Không chỉ là sự xuống cấp mà cách thiết kế một số hạng mục không phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo nên trường phải tự bỏ kinh phí sửa lại. Theo cô Linh, toàn bộ hệ thống bồn rửa tay của trẻ đều được sửa mới theo dãy dài. Bởi theo thiết kế, mỗi phòng học chỉ có một bồn rửa tay tròn cho học sinh trong khi rất nhiều trẻ phải xếp hàng chờ. Anh Lê Văn Dũng, cán bộ xã Minh Thắng cho biết: “Thành lan can tầng lầu phải có ý kiến của phụ huynh, giáo viên và chính quyền địa phương thì mới được chủ đầu tư nâng cao hơn”. Cô giáo Trần Thị Mai lo lắng: Giờ chưa có sự cố nào xảy ra với cô và trò nhưng tôi rất lo sợ. Bởi vậy, tôi không cho trẻ chơi dưới khu vực bị bong tróc.

Đầu năm học 2013-2014,  trường đã thuê sửa chữa hệ thống đường điện, nước với chi phí gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ khắc phục được phần thô bên ngoài còn hệ thống đường ngầm phải nhờ cơ quan chuyên môn khắc phục. Cô Phượng cho biết thêm: “Trường đã có nhiều kiến nghị bằng văn bản và qua các lần tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Chỉ mong năm học tới, chúng tôi không còn phải thấp thỏm lo sợ về sự an toàn của ngôi trường mình đang công tác”.

C.L

 

  • Từ khóa
83951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu