Thứ 7, 27/04/2024 05:43:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 11:04, 25/07/2016 GMT+7

Mô hình hay, việc làm tốt của phụ nữ xã Minh Long

Thứ 2, 25/07/2016 | 11:04:00 86 lượt xem
BP - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Minh Long, huyện Chơn Thành không chỉ xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, giúp phụ nữ thoát nghèo mà còn là hội cơ sở có thành tích tốt trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.

Giúp hội viên thoát nghèo

Chị Vương Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Long cho biết: Trong nhiệm kỳ 2011-2016, hội luôn quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo, đặc biệt là hộ do phụ nữ làm chủ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh huy động nhiều nguồn lực từ hội viên như vận động giúp nhau không tính lãi hoặc lãi suất thấp, tổ tương trợ vốn, tổ tiết kiệm phụ nữ nghèo; hội còn hỗ trợ, tạo việc làm cho hội viên như xây dựng mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh, nhận hàng gia công tạo việc làm tại chỗ tăng thu nhập, giới thiệu việc làm cho 298 chị. 5 năm qua, hội đã vận động được 7,5 tỷ đồng giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trong đó 40/62 chị làm chủ hộ đã thoát nghèo. Năm 2014,  Chi hội phụ nữ ấp 4 được Trung ương Hội biểu dương vì có thành tích xóa nghèo, giúp hội viên phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thúy Hà, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 4 nói: “Ấp có 300 hộ dân, hiện còn 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Phong trào giúp nhau xóa nghèo của chi hội phát triển rất mạnh nên hội viên nghèo đều được giúp đỡ. Từ số vốn hỗ trợ của hội, các chị đã cần cù lao động, tiết kiệm chi tiêu để vươn lên thoát nghèo. Điển hình có các chị Chu Thị Giang, Trần Thị Hào tuy làm mẹ đơn thân nhưng đã cố gắng phát triển kinh tế gia đình. Chị Giang hiện đã mua đất, xây nhà và tạo việc làm cho 8 chị khác trong ấp tăng thu nhập. Chị Hào không chỉ có nhà ở ổn định mà còn nuôi 4 con ăn học và là tấm gương cho nhiều chị em noi theo”. Hội viên Đặng Thị Thư ở ấp 4 cho biết: Trước đây, vợ chồng tôi không có vốn nên kinh tế rất khó khăn. Nhờ hội và chị em giúp đỡ nên kinh tế gia đình đã tạm ổn, có điều kiện nuôi 3 con ăn học bằng thu nhập từ vườn cao su hơn 1 ha, kết hợp chăn nuôi dê, heo, gà, bồ câu...”.

Quan tâm phụ nữ “đặc biệt”

Từ năm 2011 đến nay, toàn xã Minh Long có 20 người mãn hạn tù về địa phương, trong đó có 8 nữ. Chị Oanh cho rằng những phụ nữ “đặc biệt” này thường có tâm lý mặc cảm, tự ti nên hay né tránh cộng đồng. Vì vậy, hội đã chủ động phối hợp với lực lượng công an nắm bắt thông tin các chị, tình hình kinh tế gia đình để hỗ trợ phù hợp. Nhờ phụ nữ tích cực đi đầu trong các hoạt động nên đã có 14 chị mãn hạn tù được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó 5 chị được hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ với tổng 56 triệu đồng, 1 chị được bảo lãnh và giới thiệu thuê địa điểm kinh doanh. Những người còn lại được giới thiệu vào làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các chị đều có cuộc sống ổn định, con cái được học hành, ý thức chấp hành pháp luật nâng lên. 

Bà C.T.H ở tổ 6, ấp 1 là một trong những phụ nữ “đặc biệt” được hội quan tâm giúp đỡ. Sau thời gian thi hành án, bà H trở về địa bàn xã sinh sống và mắc bệnh hiểm nghèo. Sau đó, con trai bà H bị tai nạn giao thông đã khiến kinh tế gia đình ngày càng sa sút. Con gái bà H phải gửi con cho bà ngoại trông để về TP. Hồ Chí Minh làm việc phụ giúp gia đình. Hiện bà H mỗi ngày phải đi bán vé số để trang trải cuộc sống. Bà H cho biết: Tôi được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay vốn chăn nuôi để cải thiện kinh tế. Các dịp lễ, tết đều được thăm hỏi và tặng quà. Gia đình hiện được hưởng các chính sách của hộ cận nghèo. Nhờ đó tôi có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng ấp 1 cho biết: Ấp 1 có 5 phụ nữ mãn hạn tù về địa bàn sinh sống, trong đó chỉ có bà H vươn lên chậm do bệnh tật, tai nạn. Các chị còn lại đều được chính quyền, các hội, đoàn thể, nhất là phụ nữ quan tâm giúp vốn buôn bán, giới thiệu việc làm... nên đã ổn định cuộc sống. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, thiết thực giúp người mãn hạn tù có ý chí, động lực vươn lên sống tích cực, tái hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của xã; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Phương Dung 

  • Từ khóa
55924

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu