Thứ 7, 27/04/2024 07:54:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:17, 18/03/2017 GMT+7

Lộc Ninh chuyển mình trong thời kỳ hội nhập - Bài 1

Thứ 7, 18/03/2017 | 10:17:00 5,250 lượt xem

BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Ninh là huyện được giải phóng sớm nhất ở khu vực Đông Nam bộ. Sau khi giải phóng, Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng lực lượng vũ trang và nhân dân xây dựng, bảo vệ biên giới ổn định, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, huyện Lộc Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đang được hình thành và phát triển bền vững. Đây được xem là một trong những bước đột phá về phát triển nông nghiệp ở Lộc Ninh. Ngoài ra, Đảng bộ cùng chính quyền các cấp trong huyện rất chú trọng đến chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

CHĂM LO ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Tính đến hết năm 2016, Lộc Ninh có 29.578 hộ với 118.778 người, trong đó đồng bào DTTS 5.605 hộ với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện nay, Lộc Ninh có 7 xã biên giới, 2 xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo toàn huyện hơn 1.300 hộ, trong đó đồng bào DTTS 657 hộ. Những năm qua, cùng với các chương trình của Trung ương, Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh huyện Lộc Ninh đã thực hiện nhiều chính sách quan tâm đến đời sống các DTTS. Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND huyện Lộc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng đất mà nhà nước cấp cho đồng bào DTTS... Chính vì vậy, cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã có nhiều khởi sắc.

Giai đoạn 2011-2015, thực hiện các quyết định số 1592, 755 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, huyện Lộc Ninh đã cấp đất cho 281 hộ, mỗi hộ 0,5 ha. Từ khi được cấp đất, các hộ có cuộc sống ổn định, từng bước xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó, gần 500 hộ đồng bào DTTS cũng được cấp bồn inox 500 lít để chứa nước sinh hoạt. Thực hiện các quyết định 30, 54 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho hộ khó khăn, nông dân vay vốn sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh đã cho 1.147 hộ đồng bào DTTS vay gần 11,5 tỷ đồng để sản xuất; cho học sinh, sinh viên vay hơn 1,6 tỷ đồng để học tập. Ngoài ra, Chương trình 135 giai đoạn 2, 3 cũng đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân và năng lực cán bộ cơ sở.

Một góc khu tái định canh, định cư xã Lộc Thành

Huyện Lộc Ninh đang có 3 dự án định canh, định cư theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ tại các xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Hòa. Đến nay, tại các dự án có 188 hộ đồng bào DTTS hưởng thụ chương trình. Bà Trần Thị Bích Lệ, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: “Tại các dự án, mỗi hộ được cấp 1 ha đất sản xuất, hỗ trợ xây nhà ở tại chỗ, trị giá 45 triệu đồng/căn, trong đó nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng, huyện vận động các nhà hảo tâm ủng hộ thêm 20 triệu đồng. Trong các khu định canh, định cư được nhà nước làm đường giao thông, kéo điện và xây dựng trường học, nhà văn hóa, giếng nước tập trung. Tổng kinh phí thực hiện 3 dự án theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ gần 49 tỷ đồng”.

Những ngày giữa tháng 3-2017, chúng tôi tìm về khu định canh, định cư xã Lộc Thành. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những vườn mì đang cho thu hoạch được trồng xen trong các lô cao su, điều. Xen lẫn trong vườn cây là những ngôi nhà mới khang trang được bố trí đúng quy hoạch. Các công trình phúc lợi xã hội, như: nhà văn hóa cộng đồng, phòng học mẫu giáo, tiểu học, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đường điện, đường giao thông nông thôn, y tế... đã đi vào hoạt động phục vụ nhân dân vùng dự án. Gia đình anh Điểu Đông ở ấp Lộc Bình 1, xã Lộc Thành là hộ nghèo. Giữa năm 2014, anh chuyển vào ở trong khu định canh, định cư của xã. Trong căn nhà cấp 4 kiên cố, anh Đông chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 người, đất sản xuất không có, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Nay được nhà nước cấp 1 ha đất và hỗ trợ xây nhà tôi vui lắm”. Đến vùng đất mới, anh Đông được cán bộ xã, huyện, người dân quanh vùng truyền đạt kinh nghiệm canh tác nên quyết định trồng mì xen trong vườn cao su và điều để “lấy ngắn nuôi dài”. Tranh thủ làm xong việc nhà, anh cùng vợ đi cạo mủ cao su thuê để tích lũy kinh nghiệm và tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bà Thị Lơ, mẹ anh Điểu Đông năm nay đã 70 tuổi cho hay: “Gia đình tôi thu được 2 vụ mì, mỗi vụ lãi gần 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí nên cuộc sống cũng đã ổn định”.

Tiệm tạp hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Lộc là một trong hai tiệm mới mở ở khu tái định canh, định cư và rất đắt khách. Anh Lộc cho biết, trước đây gia đình anh ở ấp Lộc Bình 1, xã Lộc Thành rất khó khăn do không có đất sản xuất. Khi được cấp đất và nhà, anh mạnh dạn vay vốn mua điều giống về trồng trong vườn mì. Thấy người dân có nhu cầu mua sắm cao, anh mở cửa hàng tạp hóa để kinh doanh tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Niềm vui, phấn khởi trên vùng đất mới của gia đình anh Đông, anh Lộc cũng là cảm xúc chung của 62 hộ đồng bào DTTS nơi đây. Qua đó, làm thay đổi cơ bản nhận thức của đồng bào về tập quán sinh hoạt, sản xuất, từ du canh, du cư đến định canh, định cư. Đồng bào có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, học tập và giảm nghèo bền vững. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
1334

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu