Thứ 7, 27/04/2024 05:06:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:50, 16/09/2015 GMT+7

NHÀ NÔNG ĐINH VĂN SANH

Làm giàu từ mô hình bưởi da xanh xen măng cụt

Thứ 4, 16/09/2015 | 13:50:00 3,812 lượt xem
BP - “Đất phèn cây điều không ưa. Tôi đào ao nuôi cá nhưng cá không lớn nổi. Nhìn nhà bên có cây măng cụt trái trĩu cành nên tôi đi mua 70 cây về trồng. Sau một năm làm thợ mộc, tôi tích lũy thêm được ít vốn mua 100 cây bưởi da xanh về trồng xen với măng cụt. Mới đó đã 8 năm, vụ vừa rồi gia đình tôi thu được 300 triệu đồng từ vườn cây này” - nhà nông Đinh Văn Sanh, ngụ thôn Nhơn Hòa 2, xã Long Giang (Phước Long) chia sẻ.

Anh Đinh Văn Sanh thành công với mô hình bưởi da xanh trồng xen măng cụt trên đất phèn chua

MÔ HÌNH CHỮ NGŨ

Với diện tích 1,5 ha đất phèn chua, hơn 10 năm trước nhà nông Đinh Văn Sanh trồng 150 cây điều. Hai năm trời chờ đợi, cây điều chưa vươn khỏi đầu. Nhìn vườn cây èo uột, anh Sanh bấm bụng phá bỏ chuyển sang đào ao nuôi cá. Khổ nỗi gặp nguồn nước phèn nên cá không lớn nổi. Anh dự định chuyển sang nuôi ba ba nhưng vốn đầu tư cho loài vật lưỡng cư này quá lớn so với số thu từ nghề mộc của anh. Còn loay hoay chưa biết nuôi trồng cây, con gì cho thích hợp, tình cờ anh thấy cây măng cụt nhà bên trái trĩu cành. Thế là toàn bộ số vốn ít ỏi tích lũy trong quá trình làm thợ mộc anh đem đi mua cây măng cụt về trồng. Biết rõ thời gian cây măng cụt cho trái khá lâu nên anh thiết kế vườn cây hàng cách hàng 10m, cây cách cây 8m. Một năm sau, anh tiếp tục mua thêm 100 cây bưởi da xanh trồng xen giữa hai hàng măng cụt tạo thành hình chữ ngũ. Sau 3 năm trồng, những cây bưởi trong vườn bắt đầu cho trái bói. Vào đời bằng nghề thợ mộc, kỹ thuật chăm sóc bưởi cắn đôi cũng không có, thế là toàn bộ mùa bưởi đầu tiên nhà anh bị ong, sâu, rầy, rệp phá hỏng hoàn toàn.

Trồng cây nhưng không được thu trái, từ đó anh Sanh mới biết đến hai từ “khuyến nông”. Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật, anh mới giữ được những trái bưởi trên cành đến ngày thu hoạch. Dịp 2-9 vừa qua, lứa bưởi trong vườn của gia đình anh cho thu nhập 50 triệu đồng. Anh cho biết: “Cây bưởi bước vào thời kỳ thu hoạch năm thứ tư cho 100kg trái. Giá bán sỉ cho thương lái là 35 ngàn đồng/kg. Vào mùa tết thì giá lên đến 50 ngàn đồng/kg. Với mức giá như thế, mỗi năm tôi cầm chắc 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm tới, nguồn thu từ mô hình này sẽ cho thu nhập ít nhất 500 triệu đồng nhờ năng suất của cây bưởi và măng cụt đến thời kỳ khai thác chính”.  

GIẢI PHÁP NÂNG CAO THU NHẬP

“Thấy cây bưởi cho thu nhập ngon quá, năm vừa rồi tôi đầu tư trồng thêm 30 cây vào chỗ trống hoặc thay thế những cây đã chết. Anh cứ tính đi, 100 cây bưởi cho thu nhập ít nhất cũng được 350 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động thì vẫn còn dư ít nhất 200 triệu đồng. Vụ mùa vừa qua, vườn măng cụt của tôi còn cho trái bói năm thứ hai được 700kg. Giá măng cụt tại vườn 20 ngàn đồng/kg, bèo bèo tôi cũng có thêm 150 triệu đồng. Điều quan trọng là nhà nông có biết cách để cây bưởi ra trái quanh năm hay không?” - anh Sanh nói.

Theo anh, để bưởi cho trái quanh năm, việc đầu tiên là phải đảm bảo nguồn nước tưới cho cây. Bưởi rất ưa nước nhưng lại không chịu được ngập úng, khi thiết kế vườn cây phải đảm bảo chống ngập úng tuyệt đối. Cùng với nước, lượng phân bón NPK, nhất là các nguyên tố trung, vi lượng phải được cung cấp cho cây bưởi quanh năm. Độ thơm ngọt của bưởi phụ thuộc rất lớn vào hàm lượng hữu cơ trong đất. Do vậy, việc chăm sóc cây bưởi theo hướng hữu cơ sinh học được đặt lên hàng đầu. Nếu đảm bảo được phân và nước, cây bưởi sẽ ra bông, kết trái quanh năm.

Bệnh thán thư, ruồi đục trái, sâu vẽ bùa được xem là kẻ thù số 1 của cây bưởi. Đặc biệt khi cây ra bông, mùi hương lan tỏa và thu hút rất nhiều ruồi đục trái. Ngay cả việc dùng thuốc dẫn dụ vẫn không tránh được tình trạng trái bưởi bị ruồi đục tấn công. Do vậy, việc tỉa cành, tạo tán, tỉa trái và bao trái là giải pháp tối ưu để bảo vệ vườn bưởi đạt năng suất cao. Đây cũng là giải pháp hạn chế thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Riêng đặc tính cây măng cụt rất thích hợp với điều kiện ánh sáng thấp. Trồng xen cây măng cụt trong vườn bưởi được xem là điều kiện khá lý tưởng để cây cho trái. Tuy nhiên, việc cộng sinh của hai loại cây trồng này tạo ra môi trường rất thích hợp cho nấm bệnh phát tán trong mùa mưa. Nhà vườn phải chủ động và biết cách phòng trừ nấm bệnh kịp thời để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng trái cho vườn cây.    

Đông Kiểm

  • Từ khóa
1918

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu