Thứ 6, 26/04/2024 18:48:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:14, 21/06/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2019)

Làm báo xưa và nay

Thứ 6, 21/06/2019 | 09:14:00 2,730 lượt xem
BP - Tôi là một trong những người thuộc loại rất đam mê nghề báo. Tốt nghiệp đại học thời bao cấp, tôi về làm phóng viên một đài truyền thanh cấp huyện. Nhờ nỗ lực cộng tác với các báo, nhất là báo tỉnh Sông Bé (cũ), tôi được chuyển về làm phóng viên Báo Bình Phước ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh. Đến nay, tuổi đời cũng đã nhiều, tuổi nghề cũng khá nhưng với tôi, nghề báo không phải là một nghề “ngon ăn” như lúc đầu mình nghĩ. Làm báo ở địa phương gặp khó khăn đủ bề, nhất là trong tác nghiệp. Vì vậy, phóng viên báo chí ở tỉnh ít có những tác phẩm thuộc loại xuất sắc, để đời mà hầu hết cứ “làng nhàng” như nhau vậy thôi!

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (thời 4.0) đã có sức tác động mạnh mẽ đến từng ngành, với báo chí nó tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Vì vậy, làm báo trước đây và thời 4.0 chắc chắn sẽ có những sự khác biệt.

LÀM BÁO TRƯỚC ĐÂY

Đến đầu thập niên 1990, những người làm báo vẫn chủ yếu viết tin, bài bằng “giấy trắng mực đen”. Cây bút, quyển sổ, chiếc máy ảnh là đồ vật “bất ly thân” của mọi phóng viên khi tác nghiệp. Một máy ảnh chụp bằng phim, chiếc xe đạp là những tài sản lớn, không phải phóng viên nào cũng có thể sắm được. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, phóng viên ngày xưa có thể đạp ba bốn chục cây số để đi tác nghiệp là bình thường. Thậm chí nhiều người không quản ngại còn đi bộ băng rừng lội suối nhiều ngày để có được những tin, bài giá trị. Có máy ảnh nhưng phim thì đắt nên chụp kiểu nào phải ăn chắc kiểu đó. Sau khi chụp xong đem tới tiệm tráng, in ảnh ra, cho vào bao thư rồi đưa tới bưu điện gần nhất gửi về tòa soạn. Phong bì và tem thư là vật dụng thiết yếu để phóng viên ngày xưa trao đổi tin tức, gửi bài về tòa soạn qua đường bưu điện. Với những tin, bài cần chuyển gấp phải dùng tới máy fax. Mà ngày đó, máy fax là một dụng cụ quý hiếm, vì thế sau khi viết xong, phóng viên phải tìm đến bưu điện có máy, tự trả tiền để fax bài về tòa soạn. Điện thoại cố định là phương tiện duy nhất cho phóng viên khi muốn đối thoại trực tiếp với người ở xa, nhưng cũng không phải dễ gì có mà gọi được...

Phóng viên các cơ quan báo chí tỉnh Bình Phước tác nghiệp tại một sự kiện - Ảnh: K.B

Vài điều nhớ lại để thấy làm báo thời xưa khó khăn trăm bề, số lượng phóng viên không nhiều, nhưng bù lại người dân và xã hội rất tin tưởng, trọng vọng người làm báo. Do đó, mặc dù phải đối mặt với gian khổ, khó khăn nhưng phóng viên ai cũng tâm huyết, gắn bó với nghề. Nghề báo, nhất là được trực tiếp làm phóng viên đã cho chúng tôi tiếp xúc với nhiều người, không ít người trong số họ gây ấn tượng mạnh, thậm chí có người đã làm thay đổi nhận thức của phóng viên về cuộc sống, để chúng tôi càng đam mê và gắn bó với nghề nghiệp hơn.

NGHỀ BÁO HÔM NAY

Xã hội phát triển rất nhanh, xe máy bắt đầu tràn vào nước ta, phương tiện đi lại của phóng viên dần được cải thiện. Đến nay thì tất cả phóng viên đều đã có xe máy, nhiều người đã có ôtô. Cùng với đó là đường sá, mạng lưới giao thông công cộng đã khá tốt, vươn tới mọi ngóc ngách của xã, huyện. Đặc biệt, từ khi có máy vi tính, người làm báo đỡ vất vả hơn, thuận tiện và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Quyển sổ, cây bút có lẽ chỉ là đồ nghề “truyền thống” hiếm hoi còn hiện hữu trong hành trang của số ít nhà báo. Nhiều phóng viên đã thay thế chúng bằng những thiết bị hiện đại như smartphone, iPad và laptop. Phóng viên ngày nay đã có quá nhiều trang thiết bị dùng để ghi âm thanh, hình ảnh, từ chiếc điện thoại di động đến những máy ảnh kỹ thuật số hiện đại. Người nào cũng phải có ít nhất một thiết bị có khả năng chụp ảnh nhanh và đẹp. Sóng điện thoại đã phủ kín mọi ngóc ngách, kể cả vùng rừng núi, biên giới. Vì vậy, phóng viên ngày nay có thể “alo” mọi nơi, mọi lúc nhờ những chiếc điện thoại di động thông minh. Đặc biệt internet, là một hệ thống thông tin toàn cầu, được coi như công nghệ hỗ trợ đắc lực cho những nhà báo thế hệ mới.

Tuy nhiên, theo nhận xét của các nhà báo lão thành, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nhất là internet đã làm cho nhiều phóng viên trở nên hư hỏng, “lụt nghề”. Một số phóng viên sinh ra lười biếng không cần đi thực tế cũng có bài. Cùng một nội dung được các nhà báo “xào xáo”, thay cái tít thật hấp dẫn, thật ấn tượng... để không bị coi là “đạo văn” thế là xong. Những phóng viên làm việc kiểu này chủ yếu là của các báo đoàn thể, báo ngành; còn phóng viên báo Trung ương hoặc báo Đảng địa phương thì chắc chắn không dám làm. Tuy vậy, sự phát triển các công cụ tìm kiếm, internet, mạng xã hội... cũng đã giúp các phóng viên rất nhiều trong việc tra cứu tư liệu và tiếp cận thông tin. Với những phóng viên chân chính, chăm chỉ thì họ xem các kênh này như một thông tin để tham khảo hữu ích. Nhưng với những người lười biếng thì các phương tiện đó vô tình đã tạo ra những món “mì ăn liền”, và bạn đọc tất nhiên sẽ nhận được những sản phẩm không chất lượng.

Làm báo trước đây, ngày nay và mai sau cũng vậy, nhà báo phải có tâm và trách nhiệm với tác phẩm của mình. Trang bị đầu tiên mà nhà báo cần có, đó là đạo đức và tác phong nghề nghiệp. Đúng như cố nhà báo lão thành Hữu Thọ từng căn dặn là phải có “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Viết và phản ánh đúng những gì mà mắt mình nhìn thấy, bản thân trải nghiệm thì bài viết mới có độ sâu, nội dung truyền tải tới công chúng sẽ mang tính nhân văn cao đẹp. Sự hiểu biết, có kiến thức thực tế, cùng với một tình yêu nghề nghiệp... sẽ tạo nên nhân cách trong mỗi người làm báo. Đó cũng chính là thước đo để khẳng định giá trị cây bút của nhà báo đối với độc giả, để xứng đáng là những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” đi tìm kiếm giá trị đích thực cho cuộc sống.

Tiến Bình

  • Từ khóa
28558

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu