Thứ 7, 27/04/2024 08:46:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:08, 06/05/2011 GMT+7

KỶ NIỆM 57 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2011)

Thứ 6, 06/05/2011 | 16:08:00 1,524 lượt xem

Quân và dân Bình Phước trong cuộc kháng chiến
“Chín năm làm một Điện Biên”

“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Trong “thiên sử vàng” của dân tộc về cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, quân và dân Bình Phước đã có những đóng góp to lớn cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. 57 năm đã đi qua (7-5-1954 - 7-5-2011) nhưng âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi và khắc ghi trong lòng muôn đời các thế hệ người Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Từng đoàn dân công thồ đạn dược, lương thực cho
chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh - Tư liệu

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), quân và dân Bình Phước đã vượt qua thiên tai, địch họa, liên tục đấu tranh quyết liệt với địch, chống càn quét, phát triển phong trào du kích, giữ vững và mở rộng căn cứ địa, đẩy mạnh công tác địch vận lên cao trào, đồng thời tiến công quân sự, chính trị đồng loạt. Từ tháng 9-1953 đến 3-1954 trên địa bàn các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều đội du kích xã, số đội viên du kích tăng nhanh chóng, dân quân tự vệ cũng phát triển mạnh. Bộ đội tỉnh, huyện cùng dân quân du kích thực hiện những trận đánh nhỏ lẻ, tiêu hao sinh lực địch trên đường 13 và 14. Nhân dân hỗ trợ các đội vũ trang tuyên truyền vận động được trên 100 thanh niên không đi lính cho Pháp, một số tình nguyện tham gia vào lực lượng du kích, bộ đội. Các cuộc đấu tranh chống nộp thuế, chống chủ Tây đánh đập công nhân, đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi làm việc mỗi ngày đúng 8 giờ... ở Hớn Quản, Lộc Ninh, Thuận Lợi, Phú Riềng, Đa Kia thu được thắng lợi. Nhiều vùng bị địch chiếm trở thành vùng du kích, vùng du kích trở thành vùng tự do. Trong thời gian này các đường hành lang Hớn Quản, Lộc Ninh, Bà Rá, Đồng Xoài, Bù Đăng đã mở ra thông suốt (*). Cùng với những căn cứ nhỏ của huyện, xã đã hình thành một hệ thống căn cứ địa rộng lớn, liên hoàn. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể kháng chiến trên địa bàn tỉnh được xây dựng vững mạnh. Công tác chính trị, kinh tế, văn hóa trong căn cứ và vùng giải phóng từng bước được xây dựng và phát triển. Trên chiến trường Nam bộ nói chung, miền Đông Nam bộ nói riêng trong thời gian này lực lượng vũ trang của ta tranh thủ thời cơ Pháp điều động quân cứu nguy cho Bắc bộ và Liên khu V đã liên tục tấn công địch, bẻ gãy các cuộc càn quét của chúng. Công tác vận động binh sĩ và ngụy quyền trở thành phong trào quần chúng sâu rộng làm hàng vạn binh sĩ bỏ ngũ, rã ngũ và bộ máy chính quyền cơ sở suy sụp nặng nề. Tỉnh ủy chủ trương mở đợt tiến công quân sự dồn dập vào các vùng tạm chiếm, tiêu hao sinh lực địch. Lực lượng vũ trang kết hợp du kích đánh địch trên đường 13 và 14, diệt hàng trăm tên, phá hủy nhiều xe quân sự, kết hợp nhịp nhàng với quân và dân miền Bắc (*).

Ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ địch tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến.

Trên chiến trường Bắc bộ, đặc biệt là ở mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân ta thừa thắng xông tới. Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, nó như “ một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và nhận định: đánh Điện Biên Phủ là một trận tấn công lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay và có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6-5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. 17 giờ 30 phút ngày 7-5, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ôtô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7-5-1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trước hết đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam; là chiến thắng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là thắng lợi của đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”.

(*) Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước” (1930-1975)

Đức Hồng

  • Từ khóa
3417

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu