Thứ 3, 19/03/2024 11:30:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:12, 18/05/2012 GMT+7

KỶ NIỆM 122 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2012)

Thứ 6, 18/05/2012 | 15:12:00 1,218 lượt xem

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ TÍNH THỜI SỰ CỦA TÁC PHẨM

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”

Cách đây hơn 43 năm, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với bút danh TL, đăng trên Báo Nhân Dân, số 5409, ra ngày 3-2-1969. Từng câu, từng chữ của tác phẩm là sự hòa quyện, đúc kết một cách sâu sắc giữa lý luận và thực tiễn. Bác đã chỉ ra một “căn bệnh” cực kỳ nguy hiểm, ở ngay trong bản thân mỗi con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, đó chính là chủ nghĩa cá nhân.



Mở đầu tác phẩm, Bác sử dụng một câu rất giản dị, gần gũi, đời thường: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Điều đó có nghĩa là, khi tiến hành bất kỳ một công việc gì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước để nhân dân tin tưởng, làm theo. Từ khi có Đảng ra đời “Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt, đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Để có được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử ấy “rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”.

Tuy nhiên Bác cũng chỉ ra rằng: “Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”. Bác liệt kê những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ; mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Bác khẳng định: “Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.

Chủ nghĩa cá nhân là thứ giặc bên trong, cực kỳ nguy hiểm. Muốn tiêu diệt nó thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng. Bác yêu cầu “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng, thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ... Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.

Kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc giá trị của tác phẩm. Hơn bốn thập kỷ trước, “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân chỉ có “một số ít cán bộ, đảng viên” mắc phải thì nay “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Vai trò tiền phong, gương mẫu của nhiều tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên không được phát huy, tính chiến đấu giảm sút. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhiều nơi mang tính hình thức. Công tác tự phê bình và phê bình còn hạn chế, thậm chí làm qua loa, chiếu lệ. Một số cấp ủy, chính quyền khi phát hiện tập thể, cá nhân sai phạm đã không kiên quyết xử lý, trái lại có nơi còn bao che “xử lý nội bộ”, “giơ cao đánh khẽ”... làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân.

Cán bộ, đảng viên là đầy tớ, công bộc của nhân dân thì không thể vịn vào cơ chế, chính sách, điều kiện này, điều kiện nọ để tham ô, tham nhũng, hủ hóa... Trái lại phải biết vượt lên hoàn cảnh, giữ chữ “liêm” trong sáng. Tự phê bình và phê bình sẽ khó thực hiện hiệu quả nếu sợi dây quyền lực, tiền tài, danh vọng ràng buộc những người có chức, có quyền, có địa vị vào với nhau. Trong khi không ít đảng viên, quần chúng mang tâm lý ngại đấu tranh, không dám “đem trứng chọi đá”. Vì vậy Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật thật nghiêm minh, đảm bảo “có công thì thưởng, có tội thì phạt”.

Ông cha ta đã đúc kết “nhà dột từ nóc”. Vì vậy, những cán bộ, đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, thường xuyên “gột rửa mình” nhằm phát huy ưu điểm, năng lực, sở trường; khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; đề cao tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, công việc được giao, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Để thực hiện được những điều đó phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” như Bác đã dạy.

Chính Trực

  • Từ khóa
4313

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu