Thứ 7, 27/04/2024 09:30:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:49, 29/08/2015 GMT+7

Huyện Bù Đăng: Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Thứ 7, 29/08/2015 | 13:49:00 1,383 lượt xem
BP - Huyện Bù Đăng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Giúp đồng bào ổn định, từng bước nâng cao điều kiện sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đã và đang được các cấp ủy đảng ở địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

So với mặt bằng chung, đời sống của đồng bào các DTTS ở khu vực miền núi thường khó khăn hơn. Ở huyện Bù Đăng cũng không ngoại lệ. Những năm qua, đảng bộ, chính quyền địa phương đã có những hoạt động cụ thể giúp đồng bào ổn định, phát triển đời sống. So với ngày đầu giải phóng, ngày nay đời sống của đồng bào các DTTS ở Bù Đăng đã được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung huyện vẫn còn hạn chế về nhiều mặt. Chính vì vậy, tạo sự ổn định, từng bước phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào luôn được các cấp ủy đảng trong huyện quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ.

Quốc lộ 14 - đoạn qua địa bàn huyện Bù Đăng vừa được nâng cấp mở rộng

5 năm qua, huyện đã tập trung thực hiện nhiều chính sách lớn của Chính phủ, như “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn”, “định canh, định cư”, “hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS”, “Chính sách đối với người có uy tín”, “ổn định dân di cư tự do”, “cho vay vốn phát triển sản xuất”, “hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn”; trước đó là Chương trình 135...

Hiện 100% xã, thị trấn; 90% thôn ấp, khu dân cư trong huyện có điện lưới quốc gia. Các đường giao thông chính từ huyện về trung tâm các xã đã nhựa hóa, đường liên thôn được mở rộng, sửa chữa. Hệ thống trường học, cơ sở y tế được huyện tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây mới.

Những năm gần đây, huyện đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án trong 5 năm qua là trên 57 tỷ đồng, tập trung cho việc nâng cấp, xây mới hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh; hỗ trợ đồng bào đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vốn vay phát triển sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Tuy huyện đã đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung việc triển khai các chương trình, dự án vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Trong đó, kết quả giảm nghèo cho hộ đồng bào DTTS chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo ở khu vực này còn thấp. Ở một số địa phương trong huyện còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng...

Nguyên nhân là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền còn hạn chế, thiếu quyết liệt; có nhiều đầu mối nhưng thiếu tập trung. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả còn nặng về hình thức. Việc đầu tư mới chỉ tập trung cho hạ tầng; nhiệm vụ phát triển sản xuất, quy hoạch, sắp xếp dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Nhu cầu vốn của các chương trình rất lớn trong khi ngân sách hạn hẹp, lại hỗ trợ dàn trải, chưa tập trung cho các chương trình trọng điểm. Công tác tuyên truyền, các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở chưa đạt yêu cầu, dẫn đến vai trò, tính chủ động của nhân dân chưa thực sự được phát huy. Trình độ, kinh nghiệm sản xuất của đồng bào nhìn chung còn thấp; tính năng động, sáng tạo còn hạn chế... cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Đảng bộ, chính quyền huyện sẽ đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý theo hướng cụ thể, thiết thực hơn. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện, hướng tới mục tiêu cao nhất là ổn định, nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào, tập trung các nguồn lực để hoàn thiện từng chương trình, dự án; tránh đưa ra nhiều chương trình, dự án khi chưa có đủ nguồn lực.   

Trần Duy Hiệp

  • Từ khóa
52220

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu