Thứ 6, 29/03/2024 22:39:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:10, 20/06/2018 GMT+7

Hồ tiêu và con đường dẫn dắt thị trường thế giới - Bài cuối

Thứ 4, 20/06/2018 | 06:10:00 1,483 lượt xem

>> Bài 1: Ranh giới giữa tỷ phú và tay trắng
>> Bài 2: Vị cay ở vựa tiêu
>> Bài 3: Vùng đất hứa
>> Bài 4: Giống tiêu nào cho Bình Phước
>> Bài 5: Hãy là giọt nước sạch khi hòa vào biển lớn
>> Bài 6: Organic đạt tiêu chuẩn châu Âu - tại sao không?
>> Bài 7: Hạt tiêu mà biết nói năng...
>> Bài 8: Nông dân vẫn luôn thua thiệt?

>> Bài 9: Làm thế nào để nâng tầm giá trị hồ tiêu?
>> Bài 10: Nguy cơ đứt dây khi đánh đu với quy hoạch

BP - Từ năm 2002, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới và liên tục giữ vị trí này cho đến nay. Năm 2017, xuất khẩu hồ tiêu chiếm 55% sản lượng và 60% thị phần xuất khẩu thế giới. Có kết quả như vậy, nhưng vai trò của Việt Nam trong việc dẫn dắt thị trường hồ tiêu lại không tương xứng, thậm chí có thể nói rất mờ nhạt.

HỒ TIÊU VÀ CHUYỆN BÓ ĐŨA

Trong kho tàng truyện dân gian của người Việt, câu chuyện bó đũa có lẽ ai cũng biết từ những ngày đầu cắp sách đến trường. Thế nhưng khi làm kinh tế, dường như không còn mấy ai nhớ bài học đó và bị chính đối thủ lợi dụng nó.

MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), năm 2017 sản lượng hồ tiêu toàn cầu khoảng 547.000 tấn, tính cả tồn kho năm 2016 cộng vào đạt 567.000 tấn, trong đó riêng Việt Nam khoảng 180.000 tấn, tồn kho năm 2016 cộng vào đạt 201.000 tấn. Như vậy, sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 35% toàn cầu. Đồng thời, khác với các quốc gia khác phần lớn chế biến trong nước, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu gần như hoàn toàn và chiếm 55% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam có thể dẫn dắt được thị trường thế giới. Thế nhưng, mặc dù giữ vai trò “số 1” về khối lượng như thế, song hồ tiêu của Việt Nam lại không quyết định được giá cả thị trường.

20 năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng đã tạo nên kỳ tích với vườn tiêu 25 ha, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế này. Tại các hội thảo khoa học hay báo cáo của các hiệp hội hồ tiêu đã nêu lên nhiều lý do, như: Thương hiệu hồ tiêu Việt Nam yếu, chất lượng hồ tiêu Việt Nam thua kém, hạt tiêu của Việt Nam chủ yếu xuất thô nên phụ thuộc vào giá của sản phẩm sau chế biến sâu... Thế nhưng, có những lý do chưa từng (hoặc không muốn) đề cập tới trong các hội thảo và báo cáo đó.

Hàng vạn nông dân trồng tiêu đang bị xé lẻ, mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy thu hoạch, mạnh ai nấy bán, không theo một tiêu chuẩn, một lối đi nào. Hệ quả ngoại trừ một phần chiếm tỷ lệ chưa tới 10% hiện nay sản xuất theo các quy trình hợp tác với doanh nghiệp, còn lại sản phẩm của họ làm ra rất khó đạt tiêu chuẩn theo một quy chuẩn nhất định, đồng thời sản phẩm ấy được đánh giá xếp loại như thế nào, giá cả bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào người thu mua. Ở góc độ này, doanh nghiệp thu mua - chế biến - xuất khẩu cũng trong tình trạng tương tự và bị đối tác lợi dụng. Sự liên kết, hợp lực của các doanh nghiệp hồ tiêu trong nước gần như không có. Giá tiêu liên tục tăng và trồng tiêu cho lợi nhuận cao ngất ngưởng so với các loại cây trồng khác, không chỉ đem lại thu nhập lớn cho nông dân, mà doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cũng phát tài. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới ở một số địa phương có diện tích trồng tiêu chỉ đủ dành cho “kho cá”, nhưng lại có nhiều doanh nghiệp được thành lập nhằm tranh thủ thời cuộc mua - bán, xuất khẩu kiếm lời. Trong khi đó những doanh nghiệp ngành tiêu được xem là lớn ở trong nước không đủ tiềm lực dẫn dắt được thị trường.

Điều này ở các nước phát triển rất khó xảy ra bởi hành lang pháp lý chặt chẽ và việc làm ăn manh mún, chụp giật sẽ bị đè bẹp, bị tẩy chay bởi chính cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất nông sản. Còn ở nước ta, tác động kép từ sản lượng cung vượt cầu và từ chính cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã bị đối tác nhập khẩu lợi dụng triệt để. Hạt tiêu Việt Nam bị ép giá xuống mức thấp nhất có thể trong 2 năm qua, hiện chỉ còn khoảng 3 USD/kg khi xuất khẩu, bằng khoảng 1/5 đến 1/4 so với năm 2016, trong khi giá tiêu của các nước khác vẫn ổn định hoặc giảm không đáng kể như Campuchia giữ mức 15 USD/kg, Thái Lan 6 USD/kg... Đây là bài học và cũng là bài toán liên kết đặt ra đối với ngành hàng hồ tiêu hiện nay.

LỐI ĐI NÀO CHO “VÀNG ĐEN”?

Một yếu tố nữa vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường thế giới. Đó là xây dựng thương hiệu và chất lượng. IPC hiện có 6 nước thành viên, gồm Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Mã Lai, Sri Lanka và Việt Nam. Ngay cạnh chúng ta, Campuchia, sản lượng năm 2017 chỉ đạt khoảng 25.000 tấn, bằng 1/7 của Việt Nam. Thế nhưng, với giá xuất khẩu gấp 5 lần của Việt Nam, giá trị kim ngạch của Campuchia bằng 2/3 của Việt Nam nếu so sánh với giá hiện tại. Không chỉ đang vươn lên mạnh mẽ khi chiếm 1/2 sản lượng của các nước ngoài IPC, ngành hồ tiêu Campuchia còn phát triển rất bền vững khi chủ yếu sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học, tập trung xây dựng thương hiệu có tiếng chất lượng cao. Đây là đối thủ tiềm năng và cũng là tấm gương cho ngành hồ tiêu của Việt Nam nếu chúng ta muốn là người dẫn dắt thị trường thế giới.

Đứng trước thực trạng đó, ngành sản xuất hồ tiêu phải đưa ra lựa chọn tiếp tục tăng diện tích hoặc giữ diện tích hiện tại để tiếp tục củng cố ngôi vị “số 1 thế giới” về sản lượng, hay giảm diện tích để sát với quy hoạch của ngành nông nghiệp, đồng thời chuyển dần sang trồng hữu cơ sinh học và nâng cao chất lượng, hoặc vừa giữ diện tích, đồng thời cải tạo lại vườn và chuyển dần sang hữu cơ sinh học.

Để có đáp án tốt nhất, lúc này rất cần một đề án phát triển ngành hồ tiêu một cách toàn diện mang tầm cỡ quốc gia. Bởi lẽ, thứ nhất quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tháng 6-2014, ngay từ khi ban hành đã có nhiều lạc hậu, điển hình như diện tích được quy hoạch (50.000 ha) thấp hơn nhiều so với diện tích thực tế thời điểm đó. Thứ hai, do chưa có một đề án tổng thể với hành lang pháp lý chặt chẽ nên hiện các tỉnh, huyện trồng tiêu trọng điểm vẫn mạnh ai nấy làm, chưa theo một đề án tổng thể, không tạo được sự liên kết vùng.

HẠT TIÊU CÓ THỂ TẠO NÊN SIÊU LỢI NHUẬN?

Một vấn đề rất ít được đề cập đối với ngành hàng hồ tiêu của nước ta, đó là chế biến sâu. Trong quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tháng 6-2014, đề mục “Chế biến hồ tiêu” chỉ có 60 chữ: “Đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có, sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm; nâng tỷ lệ tiêu chất lượng cao lên khoảng 90% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu trắng lên 30% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% vào năm 2020”.

Với sản lượng và kim ngạch lên tới 1,5 tỷ USD vào năm 2016 và 1,1 tỷ USD năm 2017, thông thường Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ngành hàng hồ tiêu. Song khá bất ngờ là trong số hàng chục doanh nghiệp thu mua - chế biến - xuất khẩu hồ tiêu trên cả nước hiện nay, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào tầm cỡ như thế. Cũng như nhiều loại nông sản chủ yếu xuất thô nhưng chiếm thị phần lớn trên thế giới hiện nay ở nước ta, ngành hàng hồ tiêu đang giống như một bó đũa với những chiếc đũa rời rạc.

Trên thế giới hiện có khoảng 12 sản phẩm tiêu chế biến giá trị cao. Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam hầu hết là xuất thô, như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tiêu xay... Các nước nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam không phải chỉ để chế biến gia vị như hầu hết suy nghĩ của người dân Việt Nam. Họ nhập khẩu hạt tiêu để chế biến ra dầu tiêu, dầu nhựa tiêu dùng cho ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm. Tại Mỹ - nước nhập khẩu hạt tiêu nhiều nhất của Việt Nam với khoảng 30.000 tấn năm 2017, thì phần lớn số đó được sử dụng cho chế biến dầu tiêu, dầu nhựa tiêu. 30kg hạt tiêu làm được 1kg dầu nhựa tiêu. Hiện 1kg dầu nhựa tiêu ở Mỹ giá từ 500-1.000 USD, trong khi 30kg tiêu tại Việt Nam hiện bán chưa được 100 USD.

Đưa ra con số này để thấy, đối với nông dân trồng tiêu Việt Nam, chỉ cần giá 50-60 ngàn đồng/kg hiện nay tăng lên ngưỡng 100 ngàn đồng/kg đã “mừng hết lớn”. Nhưng cho dù có lên mức giá đó, lợi nhuận đem lại của hàng trăm ngàn nông dân và hàng ngàn cơ sở thu mua, hàng chục doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cũng không là gì so với chế biến sâu đem lại.

Làm thế nào để có được doanh nghiệp chế biến sâu như thế? Quả thực, nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là những chiếc đũa đơn lẻ, thì khó có thể tạo nên một nguồn lực đủ mạnh cả về tài chính, kinh nghiệm và đối trọng với các doanh nghiệp đang làm giàu từ chính hạt tiêu do chúng ta sản xuất ra.     

Trần Phương

  • Từ khóa
94397

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu