Thứ 7, 27/04/2024 09:02:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 11:33, 10/05/2017 GMT+7

Giảm nghèo để ổn định chính trị và đồng thuận xã hội

Thứ 4, 10/05/2017 | 11:33:00 60 lượt xem
BP - Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, cuối năm 2016 toàn tỉnh có 14.627 hộ nghèo, chiếm 6,15% tổng số hộ dân và 4.016 hộ cận nghèo, chiếm 1,69% tổng số hộ dân. Trong đó, số hộ thuộc chính sách giảm nghèo 12.645 hộ, chiếm 86,45% tổng số hộ nghèo, còn lại là số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Dù qua 20 năm tái lập tỉnh, đã qua nhiều lần Chính phủ nâng mức sàn thu nhập đối với hộ nghèo, qua đó khiến số hộ nghèo và cận nghèo tăng lên. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự điều hành linh hoạt của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực vươn lên của các tầng lớp nhân dân, Bình Phước đã giảm đáng kể số hộ nghèo và cận nghèo. Kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực thì tỷ lệ hộ nghèo của Bình Phước vẫn còn cao. Và để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đầu năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu chung của tỉnh là tập trung huy động các nguồn lực nhằm từng bước cải thiện và nâng cao mức sống của người nghèo, cận nghèo. Nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo nói riêng, nhân dân nói chung. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn... Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu bình quân giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm 0,5% hộ nghèo. Tiếp tục huy động nguồn lực và bằng các giải pháp tích cực hỗ trợ hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội. Tập trung xóa 100% số hộ nghèo thuộc đối tượng có công với cách mạng. Đảm bảo 100% số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, tiếp cận được các nguồn lực và dịch vụ xã hội...

Trong điều kiện kinh tế của tỉnh chịu tác động xấu bởi thiên tai, khí hậu và yếu tố thị trường gây nên, việc ưu tiên đầu tư cùng những nỗ lực của tỉnh trong xã hội hóa công tác giảm nghèo đã tạo niềm tin đối với người nghèo và người dân nói chung, giảm dần khoảng cách giàu, nghèo - cũng đồng nghĩa với giảm những bất đồng xã hội. Vẫn biết giảm nghèo là mục tiêu quan trọng, phải thực hiện lâu dài của các cấp lãnh đạo và chính quyền trong toàn tỉnh, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình trong diện nghèo và cận nghèo là phải không ngừng phấn đấu vươn lên để làm chủ cuộc sống của mình chứ không tổ chức, đoàn thể nào có thể làm thay được. Điều quan trọng là Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại từng địa bàn phải có biện pháp giúp đỡ để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và học hỏi cách làm ăn, tính toán chi tiêu hợp lý; biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất - kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và có thể làm giàu, từ đó làm chủ cuộc sống, giảm gánh nặng và có điều kiện đóng góp cho xã hội.

Đói nghèo và bất bình đẳng là kết quả của cơ chế kinh tế thị trường đang ngự trị ở nhiều nước trên thế giới. Nếu soi vào những nỗ lực của Chính phủ, của Đảng bộ và chính quyền trong tỉnh thông qua những con số “biết nói” trong công tác giảm nghèo sẽ càng thấy rõ những nỗ lực của chính quyền các cấp. Sự nỗ lực giảm nghèo không chỉ góp phần ổn định chính trị - xã hội mà còn tạo nên bầu không khí phấn chấn, đồng thuận của toàn dân trên con đường phát triển và đổi mới.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
58522

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu