Thứ 6, 26/04/2024 16:53:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:03, 07/02/2016 GMT+7

Dù là hàng “độc” cũng không thể “ăn xổi”!

Chủ nhật, 07/02/2016 | 09:03:00 236 lượt xem

BP - Báo Bình Phước ra ngày 29-1-2016 đăng bài: “Đưa hình quốc hoa vào dưa hấu đón tết”. Bài báo phản ánh xu thế chung ở Việt Nam là nhân dịp tết cổ truyền, thị trường thường xuất hiện nhiều loại hoa quả mới lạ, độc đáo để người tiêu dùng thoải mái lựa chọn chưng lên bàn thờ tổ tiên, vừa trang hoàng vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ở xã Tân Lập (Đồng Phú), anh Phạm Thanh Bình (30 tuổi) mạnh dạn trồng thử nghiệm giống dưa hấu hình dáng “độc” để phục vụ thị trường tết và đã thành công. Đó là tạo ra những trái dưa hấu có hình hoa sen và chuông Noel.

Trái cây in chữ thư pháp được người Việt sáng tạo thành công nhưng chỉ dành cho giới thượng lưu vì giá quá caoTrái cây in chữ thư pháp được người Việt sáng tạo thành công nhưng chỉ dành cho giới thượng lưu vì giá quá cao - Ảnh: Internet

Theo anh Bình chia sẻ, do chi phí đầu tư ban đầu quá cao nên bắt buộc anh phải bán 4-5 triệu đồng/cặp và cũng tránh phá giá các loại dưa “độc” đã có trên thị trường như: hình thỏi vàng, hồ lô.

Ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nông dân Huỳnh Thanh Tâm, 29 tuổi cũng đã sáng tạo ra những trái dừa tươi in chìm chữ thư pháp: Tài, Lộc Thọ, Phúc, 2016, Bính Thân... Sản phẩm được ép khuôn từ trái dừa xiêm xanh và  chủ nhân đặt tên là “Dừa phú quý Bến Tre”. Giá bán mỗi trái 300 ngàn đồng, trong khi giá dừa xiêm tươi bình thường bán tại vườn khoảng 5.000 đồng.

Tương tự, ông Huỳnh Thanh Khoa ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng tạo chữ thư pháp với kỹ thuật bao trên trái xoài để chưng ngày tết gồm: Phước Lộc Thọ, Xuân Mới Phát Tài, Vạn Sự Như Ý... và cũng có giá 300 ngàn đồng/trái.

 Còn ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tung ra thị trường bưởi hồ lô có hình bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thủ đô Hà Nội mang biểu tượng ngôi sao. Giá bán tại vườn 2,4 triệu đồng/cặp. Ông Thành bộc bạch với phóng viên: “Đây là ý tưởng xuất phát từ lòng yêu nước. Tôi muốn khẳng định với thế giới rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”.

Những sản phẩm xuất xứ của Việt Nam nói trên đã khẳng định người Việt rất thông minh, sáng tạo.

Tuy nhiên, ngay tại thị trường Việt Nam, dưa lê thần tài, hình thù ông Thọ, Phật Di Lặc... xuất xứ Trung Quốc cũng tràn ngập và chỉ bằng 1/8 đến 1/10 giá hàng Việt cùng loại. Cụ thể, chỉ từ 40-85 ngàn đồng/trái. Chính vì rẻ, đẹp nên sản phẩm Trung Quốc lại đang chiếm lĩnh thị trường Việt, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Người tiêu dùng vẫn biết  hàng Trung Quốc có tẩm hóa chất để bảo quản. Nhiều người mua và chưng 3-4 tháng mà chỉ chuyển màu chứ không bị hư. Chính vì thế, hàng mua về chỉ chưng cho đẹp chứ không ăn. Qua vụ việc này cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng, nên tẩy chay hàng độc hại vì sản phẩm tẩm hóa chất độc, mình không dám ăn mà thờ cúng thì làm sao thành tâm với ông bà, tổ tiên? Nhưng có người lại thể hiện quan điểm, dưa lê mang chữ Tài, Lộc, Phúc... là thể hiện khát vọng của người mua cầu mong tổ tiên, đấng siêu nhiên phù hộ cho gia chủ giàu có, an khang, hạnh phúc... thì chỉ chưng theo nghĩa tượng trưng đó, đâu có gì đáng ngại...

Qua thực tế cũng thấy rõ, người Trung Quốc nắm bắt rất nhanh nhu cầu, thị hiếu của người Việt để có sản phẩm đáp ứng kịp thời. Trong khi đó, sản phẩm của người Việt lại không dành cho số đông vì giá thành và giá bán quá cao.

Mặc dù đã thử nghiệm thành công dưa hấu có hình dáng độc đáo, màu sắc hấp dẫn và chất lượng nhưng anh Phạm Thanh Bình ở xã Tân Lập đang lo lắng khi tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bởi theo anh, đây là loại dưa kén thị trường và phần lớn dành cho thị hiếu người có thu nhập cao.

Sản phẩm tồn tại và sống được hay không phải thông qua thị trường. Người Việt đã tạo ra được sản phẩm “độc”, thể hiện được công sức, trí tuệ của mình thì nên tìm giải pháp tồn tại bền vững cho sản phẩm với giá thành và chất lượng phù hợp, thay vì đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sính hàng “độc” của một bộ phận người tiêu dùng theo kiểu “ăn xổi”... Như vậy, chẳng khác nào tự mình bó hẹp đầu ra cho sản phẩm mà bản thân đã kỳ công đầu tư sáng tạo. Nông dân thời kinh tế toàn cầu không thể chỉ biết tạo ra sản phẩm tốt mà còn phải biết hội nhập và tạo được chỗ đứng cho sản phẩm. Có như thế, sản phẩm Việt mới tạo được thương hiệu, để người Việt luôn hãnh diện và ưu tiên dùng hàng Việt.

An Nhiên

  • Từ khóa
40071

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu