Thứ 3, 19/03/2024 11:02:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:30, 18/03/2018 GMT+7

Đổi mới ở Sơn Tân

Chủ nhật, 18/03/2018 | 08:30:00 1,472 lượt xem
BP - Sơn Tân từng là thôn khó khăn nhất xã Phú Sơn (Bù Đăng), giáp ranh xã Đắk Ru, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông. Thôn có 168 hộ, 745 người, trong đó 40% đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Hơmông, Mơnông). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, người dân trong thôn đoàn kết, đồng lòng phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng nông thôn mới đã thay đổi tích cực diện mạo khu dân cư.

nông thôn khang trang

Ông Trần Duy Quảng, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Tân cho biết: Mấy năm trở lại đây, thôn có sự đổi thay rõ rệt, nhất là từ khi thực hiện mục tiêu Phú Sơn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018. Sơn Tân cũng như các thôn khác trong xã đã đồng loạt huy động sức dân, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông để đạt chuẩn. Năm 2017, nhân dân thôn Sơn Tân đóng góp 107 triệu đồng bê tông hóa tuyến đường xóm 2 dài 285m; nhiều hộ hiến đất, chặt bỏ cây trồng, giải phóng hành lang để nắn các tuyến đường thẳng, đẹp. Đường vào tổ 3 dài 360m đã được trải nhựa từ Chương trình 135, trị giá 200 triệu đồng. Góp sức cùng người dân, Nông trường cao su Thọ Sơn thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đầu tư trải nhựa 980m đường trục chính của thôn, trị giá 1,7 tỷ đồng. Dù còn nhiều khó khăn, song nhân dân đã chung tay xây dựng hệ thống điện chiếu sáng dài 1,3km. Hiện nay, các tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đèn điện thắp sáng hằng đêm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự.

Giờ tan lớp của cô và trò tại điểm lẻ thôn Sơn Tân, Trường mẫu giáo Phú Sơn

Người dân thôn Sơn Tân còn đầu tư 2 giếng khoan tập thể, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong mùa khô. 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà văn hóa thôn khang trang với hệ thống âm thanh, loa máy và khánh tiết được trang bị đảm bảo nhu cầu hoạt động tốt. Do xa trung tâm xã nên Trường mẫu giáo Phú Sơn cũng được xây dựng 1 điểm lẻ tại thôn. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%.

Đời sống phát triển vượt trội

Mấy năm gần đây, kinh tế của người dân thôn Sơn Tân phát triển mạnh, tập trung chủ yếu vào các cây trồng chủ lực gồm: 230 ha điều, 203 ha cao su và 71 ha cà phê. Cà phê được nhân dân trồng xen trong vườn điều ngày càng phổ biến và thu nhập cải thiện đáng kể. Bà Nguyễn Thị Cúc (1960) cho biết: “Gia đình tôi có 1,3 ha điều trên 15 năm. Năm nào sau vụ thu hoạch tôi đều bón phân, tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh đúng quy trình nên năng suất bình quân 3 tấn/ha. Vụ năm nay đang kỳ thu hoạch rộ, hiện gia đình tôi thu được hơn 1,5 tấn. 6 năm trước, tôi trồng xen cà phê trong rẫy điều, năng suất cà phê cũng đạt khoảng 3 tấn/ha. Hiện tại, tôi đang tích trữ chờ giá cao hơn sẽ bán”.

Hộ anh Giàng Xuân Sèng (SN 1974), trưởng xóm người Hơmông được coi là điển hình làm kinh tế giỏi. Gia đình anh vào Sơn Tân năm 1998. Trải qua nhiều khó khăn, nay đã ổn định với 1 ha điều và 0,5 ha cà phê. Anh Sèng luôn cần cù, ham học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất điều và cà phê hằng năm đạt cao. Cụ thể, vụ trước anh thu trên 2 tấn điều, cà phê 4 tấn/ha. Vụ năm nay, dự kiến tổng thu sẽ cao hơn 1,5 lần so vụ trước. Để có thêm thu nhập, anh Sèng còn mở đại lý cung cấp sữa tươi phục vụ người làm công ngay tại nhà. Ngoài ra, anh mua máy xịt thuốc bảo vệ thực vật, hun khói xua đuổi côn trùng, bọ xít muỗi. Hộ nào có nhu cầu, anh xịt thuê với giá 600 ngàn đồng/ha. Không chỉ kinh tế ổn định, anh Sèng còn có 3 con học giỏi. Trong đó, tự hào nhất là con trai lớn hiện là sinh viên của Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.

Già làng Điểu Dinh (SN 1946) phấn khởi khi nói về sự đổi thay của thôn, nhất là các hộ Mơnông, Hơmông, già làng khoe: “Bà con ở đây thực hiện rất tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” . Hộ nào cũng có nhà vệ sinh. Chăn nuôi trâu, bò có chuồng trại. Trẻ con phải đi học để biết chữ. Trong thôn hiện nay không còn tình trạng tảo hôn, đặc biệt không còn trường hợp nghe lời kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép nữa”.

Ông Cao Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: Mặc dù là thôn khó khăn, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhưng vài năm trở lại đây, thôn Sơn Tân có nhiều đổi thay đáng phấn khởi. Hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa thôn Sơn Tân với Công an huyện được đẩy mạnh, qua đó tình hình an ninh trật tự được đảm bảo ổn định. Chi hội phụ nữ thôn Sơn Tân và Sơn Quý kết nghĩa, thông qua các hoạt động đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sinh đẻ kế hoạch, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con và nhất là ý thức tích cực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của thôn đạt 18,5 triệu đồng. 100% số hộ có điện sử dụng, phương tiện đi lại và nghe nhìn đầy đủ. Điều phấn khởi nhất là các thiết chế văn hóa được sử dụng, khai thác hiệu quả, đường làng ngõ xóm khang trang, rộng rãi, đạt yêu cầu. Đây là cơ sở quan trọng để Sơn Tân cùng các thôn khác thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa xã Phú Sơn về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.

Quang Minh

  • Từ khóa
1411

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu