Thứ 7, 27/04/2024 07:19:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:45, 26/02/2016 GMT+7

Để đám tiệc không còn kẻ vui, người phiền

Thứ 6, 26/02/2016 | 07:45:00 117 lượt xem

BP - Đám cưới ở xứ ta, địa phương nào cũng giống nhau về hình thức lẫn nội dung, chỉ khác là tổ chức đám lớn hay nhỏ mà thôi. Về quy mô, không ít đám cưới đã làm nhiều người phải sững sờ hoặc xây xẩm vì choáng. Năm ngoái, một nữ đại gia người miền Bắc tổ chức đám cưới cho con trai với dàn siêu xe mấy chục chiếc và chịu tốn vài trăm ngàn đô la để mời một ca sĩ hải ngoại đến hát trong tiệc cưới. Tưởng đã đạt đến đỉnh điểm của thói xa xỉ rồi, ai ngờ “kỷ lục” này lại bị một số người dân miền Tây phá vỡ với những màn “ngông” hơn: Thuê nguyên một chiếc máy bay của Việt Nam Airlines đưa đón dâu hoặc một quý ông khác dựng rạp cưới đã ngốn 600 triệu đồng, chưa kể tiền thuê bàn ghế, dàn nhạc đưa từ Sài Gòn về và mời ca sĩ nổi tiếng đến biểu diễn.

Việc chịu chi tiền tỷ cho cưới hỏi thường là những đại gia kinh doanh lắm bạc nhiều tiền. Và đó là quyền cá nhân được luật pháp bảo hộ, quyền của người giàu muốn tổ chức ra sao tùy họ, dù khi nhìn vào những đám cưới “vĩ mô” như thế, nhiều người không khỏi tủi thân, chạnh lòng. Tủi thân cho căn nhà mái dột cột xiêu của mình. Chạnh lòng cho từng lít mồ hôi đổ xuống vẫn không đủ trang trải miếng ăn hằng ngày.

Một tiệc cưới được dựng ngay trên quốc lộ gây cản trở giao thông - Ảnh: Đ.H

Một đời chỉ có một lần, ai cũng quan niệm về hôn nhân như thế nên đám cưới được trau truốt, chăm sóc tỉ mỉ không có kẽ hở cho thiếu sót hoặc thua kém. Có tiền vung tay tổ chức “đám cho ra đám” đã đành, ít tiền hoặc không có tiền cũng chẳng thiếu gia đình hoặc đôi uyên ương gồng mình vay mượn để tổ chức xôm tụ cho nở mày nở mặt, nợ nần hậu xét. Và cái “hậu xét” đó đến liền tù tì, đến ngay tắp lự, đến khi tuần trăng mật chưa kịp phai nhạt mùi hương. Đâu chỉ cha mẹ bở hơi tai mà tân lang và tân nương cũng toát mồ hôi vật lộn với lãi mẹ cộng lãi con từ số nợ vay “mần” đám cưới. Thậm chí có khi đôi uyên ương ký đơn ly dị cũng vẫn còn nợ vay cưới.

Đó là chuyện của gia đình có hôn sự, theo tiêu chí đốn thì phải vác, bụng làm dạ chịu. Nhưng lắm khi chuyện vui mừng của gia đình có đại hỉ lại gây tang ma cho gia đình khác. Vừa rồi một đám cưới được tổ chức tại Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) dựng rạp lần một nửa lòng đường khiến không có chỗ tránh nhau, một xe tải đã tông chết một người đi xe máy.

Hiện nay, việc chiếm dụng lòng lề đường để dựng rạp đã phổ biến khắp nơi khi gia đình có đám cưới, thậm chí nhà ở trong hẻm còn cắm bảng ở hai đầu hẻm ra vô “Cảm phiền đi lối khác” cấm cản sự lưu thông của người qua đường, cứ như cái hẻm đó là của riêng họ vậy.

Đừng biện minh theo kiểu “huề cả làng” là “nhà có hôn sự, bà con thông cảm”. Ai sẽ thông cảm cho cái chết của anh thanh niên, vì rạp cưới dựng lấn ra nửa con đường tại Thủ Đức? Nếu không có chỗ tổ chức, đãi đằng thì đãi khách tại nhà hàng hoặc thuê mặt bằng (nhà văn hóa, hội trường, nhà đất tư nhân...) để khỏi làm phiền người và phương tiện qua lại?

Trước đây, nhà nước đã ban hành “Quy ước về việc tổ chức lễ cưới nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn không chấp hành, vẫn có những đám cưới kéo dài lê thê, nhạc ầm ĩ suốt 3-4 ngày, khách mời lên đến hàng ngàn người và nhiều đám còn có xe công biển xanh, biển đỏ đến... chung vui, xe cộ đậu la liệt dưới lòng đường gây phiền toái cho xóm giềng lẫn người đi đường. Cuối tháng 12-2015, TP. Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu các quận, huyện nội thành “nghiêm cấm chiếm dụng lòng lề đường để tổ chức đám tiệc”, còn 62 tỉnh, thành khác thì sao? Địa phương nào mà chẳng có đám cưới, chẳng có đường sá?

Vì vậy việc chiếm đường dựng rạp “tự nhiên như ruồi” của đám cưới hoặc đám giỗ, tiệc tùng, liên hoan... cần có quy định nghiêm cấm của nhà nước để tránh những tai nạn, những vụ tắc đường xảy ra khi vốn đã có nhiều tai nạn giao thông, ùn tắc diễn ra hằng ngày trên cả nước.

Thảo Anh

  • Từ khóa
53676

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu