Thứ 5, 02/05/2024 05:10:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:01, 31/01/2018 GMT+7

Để cái tết không tiếng pháo nổ

Thứ 4, 31/01/2018 | 08:01:00 152 lượt xem

BP - Càng gần đến tết Nguyên đán, tình trạng vận chuyển, mua bán, đưa pháo lậu vào nước ta ngày càng gia tăng. Hầu hết tại các cửa khẩu biên giới năm nay, hoạt động vận chuyển pháo nổ diễn ra sớm hơn dịp giáp tết năm ngoái. Đồng thời các đối tượng buôn lậu pháo ngày càng hoạt động khôn khéo và tinh vi hơn. Khối lượng pháo lậu trong mỗi vụ do đối tượng tổ chức đưa từ bên kia biên giới tuồn vào Việt Nam ngày càng nhiều, bất chấp các quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có một số vụ vận chuyển pháo nổ trái phép bị bắt giữ, kể cả trong nội địa và trên tuyến biên giới. Khu vực “nóng” nhất vẫn là Cửa khẩu Hoàng Diệu, huyện Bù Đốp.

Theo các cơ quan chức năng, việc giải quyết tận gốc hoạt động buôn lậu pháo nổ vẫn còn là một bài toán nan giải. Hầu hết các loại pháo lậu sản xuất tại Trung Quốc được mua với giá rẻ nhưng khi về Việt Nam đưa ra bán lẻ thì lợi nhuận rất cao nên đối tượng buôn lậu mặt hàng này hám lợi, bất chấp pháp luật. Trong khi đó, các địa phương chưa quyết liệt trong vận động, tuyên truyền cũng như chưa xử lý nghiêm hành vi đốt pháo trong dịp tết. Có “cầu” ắt sẽ có “cung”, do đó công tác phòng, chống pháo lậu ở khu vực biên giới năm nào cũng gặp nhiều khó khăn. Và, càng gần tết thì tình hình vận chuyển, buôn bán pháo lậu càng diễn ra mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp.

Về tác hại của pháo nổ thì có lẽ ai cũng đã biết. Đó là nguy cơ mất an toàn cả trong sản xuất, vận chuyển pháo, nếu để xảy ra sơ xuất sẽ gây thiệt hại không nhỏ về vật chất và tính mạng con người. Thứ hai là ô nhiễm môi trường, khi đốt pháo với số lượng lớn sẽ tạo ra một lượng khí độc có hại cho sức khỏe con người. Thứ ba là về kinh tế, việc đốt pháo tràn lan tiêu tốn rất nhiều tiền của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã thực hiện trên phạm vi cả nước 24 năm. Vì vậy, không lý do gì lại để cho những hành vi vi phạm luật pháp ngang nhiên tồn tại. Trong dịp tết năm 2015, người bị tai nạn do pháo nổ gây ra trong cả nước là 49 trường hợp, năm 2016 tăng gấp đôi và tết Đinh Dậu 2017 đã tăng lên 130 trường hợp. Năm nay, nếu không ngăn chặn từ xa và có biện pháp kịp thời từ bây giờ thì tết đến nhiều nơi sẽ vẫn có tiếng pháo nổ. Luật pháp nước ta đã quy định nghiêm cấm đốt pháo nổ, bên cạnh hầu hết người dân tự giác, nghiêm túc chấp hành thì đó đây vẫn có những người cố tình mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và sử dụng pháo nổ trong dịp tết. Việc đốt pháo không chỉ tạo nên các tác động tiêu cực về môi trường, mất an toàn, thiệt hại kinh tế mà còn gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Để chủ trương cấm đốt pháo được thực hiện nghiêm túc và triệt để, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh. Các tổ chức, đoàn thể, nhà trường tăng cường giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên và học sinh thực hiện cam kết không đốt pháo, nhất là trong những ngày tết. Các bậc ông bà, cha mẹ cần quan tâm giáo dục, nhắc nhở con cháu, đặc biệt là những thanh niên đi làm ăn xa không mua pháo, đốt pháo. Mọi người đều nói không với tiếng pháo nổ. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát nắm chắc tình hình ở cơ sở, kịp thời phát hiện các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, để nhân dân cả nước có một cái tết cổ truyền thanh bình, an vui, không tiếng pháo nổ.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu