Thứ 5, 18/04/2024 13:06:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:20, 07/02/2017 GMT+7

Danh tướng Phạm Bạch Hổ

Thứ 3, 07/02/2017 | 08:20:00 4,036 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Phạm Bạch Hổ có tên chữ là Phạm Phòng Át sinh ngày 10 tháng giêng năm Canh Ngọ (910). Ông xuất thân trong gia đình nông dân, quê ở Đằng Châu, xã Ngọc Đường, nay thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, có sức khỏe hơn người, tính tình cương trực thẳng thắn. Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và hổ trắng mà có mang nên đã đặt tên ông là Bạch Hổ.

Minh họa: S.H

Phạm Bạch Hổ từng làm Hào trưởng đất Đằng Châu, theo giúp Dương Đình Nghệ. Năm Tân Mão 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, Thứ sử Giao Châu và sau đó đánh bại Trần Bảo do Lưu Nghiễm là tướng nhà Nam Hán cử sang cứu viện. Dương Đình Nghệ xưng Tiết độ sứ, dùng Phạm Bạch Hổ làm nha tướng. Năm Đinh Dậu (937), Phạm Bạch Hổ đem 1.000 quân đến hợp binh với Ngô Quyền tại thành Gia Viễn, ông được Ngô Quyền tin yêu, giao nắm binh quyền. Chính ông đã có công lớn trong việc bảo vệ vương triều Ngô Quyền. Khi Kiều Công Tiễn, kẻ phản bội giết Dương Đình Nghệ là bố vợ của Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ đã đem 5.000 quân về thành Đại La tiêu diệt Kiều Công Tiễn - kẻ phản phúc định âm mưu cầu cứu quân Nam Hán đang lăm le xâm lược nước ta.

Phạm Bạch Hổ đã góp công lớn cùng chủ tướng Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm Mậu Tuất (938), đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc sau gần 1.000 năm Bắc thuộc. Phạm Bạch Hổ luôn trung thành với sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Khi vua Ngô Quyền mất (năm 944), Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền) cướp ngôi. Ông đã giúp Ngô Xương Văn (con trai thứ của Ngô Quyền) đoạt lại ngôi vua, xưng là Hậu Ngô Vương. Khi triều Ngô mất, ông đã đón Ngô Xương Văn về dinh lũy của mình tại đất Đằng Châu, tiếp tục sự nghiệp của Ngô Quyền.

Năm 965, khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt cả nước cùng nổi lên cát cứ, Phạm Bạch Hổ đã trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, cửa ngõ quan trọng vào thành Đại La, cai quản một vùng đất rộng lớn, giúp nhân dân khai khẩn đất hoang, đất bồi để sản xuất nông nghiệp. Phạm Bạch Hổ là thủ lĩnh một trong 12 xứ quân cát cứ vùng Đằng Châu lúc bấy giờ. Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền, mang quân đánh dẹp “Loạn 12 sứ quân”. Đầu năm 966, Phạm Bạch Hổ mang quân về Hoa Lư theo hàng Đinh Bộ Lĩnh, được phong là Thân vệ Đại tướng quân, ông đã góp sức củng cố triều đại mới.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn, lên ngôi, tức là vua Đinh Tiên Hoàng. Khi vua Đinh bị hại, thiếu đế nhà Đinh còn nhỏ tuổi, nhà Tống lại lăm le xâm lược nước ta, tướng sĩ đã tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế. Thân vệ đại tướng quân Phạm Bạch Hổ lúc bấy giờ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâu với vua xin được cáng đáng việc trù liệu quân lương.

Vua Lê Hoàn lo ông tuổi cao, Phạm Bạch Hổ đã khẳng khái đáp: “Thần lúc tráng niên theo tiền Ngô Vương đánh giặc Nam Hán có chút công lao, nay tuy tuổi cao nhưng mỗi bữa còn ăn hết vài đấu gạo, rong ruổi trên mình ngựa cả ngày không mệt, gân cốt còn mạnh há sợ gì quân Bắc Tống”. Vua khen ông là người dũng khí, phong làm Bình Tống đô liệu lương quan, mang quân bản bộ ra đóng ở vùng Thiên Bản trù liệu quân lương. Ngày 16-11 năm Nhâm Thân (972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Vua Lê Hoàn đã sắc cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại phong kiến đều phong tặng ông là “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”. Phạm Bạch Hổ được nhân dân ngưỡng mộ lập đền, thờ phụng ông ở nhiều nơi, nhưng lớn hơn cả là đền Mây thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nơi đã sinh ra ông.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại nêu trên cho thấy, Phạm Bạch Hổ là một thí dụ điển hình trong việc đả phá quan niệm “tôi trung không thờ hai chúa”, vốn được dùng để vinh danh những trung thần theo tư tưởng Nho giáo. Và thực tế là Phạm Bạch Hổ không những chỉ thờ “hai chúa”, mà còn tận tụy phò tá liên tiếp 3 vị minh quân sáng lập 3 triều đại là Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Ông đã góp sức mình vào cuộc chiến giành lại nền tự chủ cho dân tộc của Ngô Quyền, rồi về đầu quân cho vua Đinh để chấm dứt cuộc nội loạn 12 sứ quân và khi đã lớn tuổi ông vẫn cống hiến hết sức mình trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược của vua Lê Đại Hành.

Nếu Phạm Bạch Hổ không phải là một người yêu nước thương dân cao độ, thì chắc chắn ông đã không được cả 3 vị vua tín cẩn. Và ông được người dân đương thời kính trọng, nể phục là bởi mặc dù cũng là một trong 12 sứ quân, nhưng Phạm Bạch Hổ đã sẵn sàng đứng dưới cờ của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh - một người trẻ tuổi hơn mình. Mục đích duy nhất của ông khi đó là làm sao chấm dứt sự hỗn loạn của đất nước, mang lại thanh bình cho toàn dân. Chính vì thế, các triều đại phong kiến về sau đều phong ông là “Khai thiên hộ quốc tối linh thần” và lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Điều quan trọng còn lại là hậu thế ngày nay phải biết làm gì để phát huy truyền thống của tổ tiên mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

N.D

  • Từ khóa
109880

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu