Thứ 3, 19/03/2024 13:23:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 06:39, 14/03/2014 GMT+7

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội

Thứ 6, 14/03/2014 | 06:39:00 281 lượt xem

Đảng gắn bó mật thiết và chịu sự giám sát của nhân dân

Điều 4, Hiến pháp năm 2013 gồm 3 khoản đã khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Khoản 1). Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình (Khoản 2). Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Khoản 3). Với những quy định trên, chúng ta dễ nhận thấy Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa nội dung cơ bản của Điều 4, Hiến pháp năm 1992. Đồng thời bổ sung thêm những điểm mới, sát thực và cụ thể hơn sau khi đã có quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn hơn 20 năm thực thi Hiến pháp năm 1992 và gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Những nội dung mới là: Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Trong khi Hiến pháp năm 1992 chỉ viết “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam”. Bên cạnh đó là việc sử dụng từ ngữ, chỉ thay một từ “theo” bằng “lấy” trong cụm từ “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng” nhưng xét về mặt bản chất và ý nghĩa khác hẳn nhau (“theo” mang nghĩa bị động còn “lấy” mang nghĩa chủ động). Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã bao quát toàn diện, chính xác, đầy đủ vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Khoản 2, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 là nội dung bổ sung hoàn toàn mới “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Cách đây hơn 54 năm, trong lễ mít-tinh kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại... Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Mặc dù là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng vẫn chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Một điều cực kỳ quan trọng là “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Nói một cách khác, Hiến pháp và pháp luật là khuôn khổ, là những quy định mà các tổ chức đảng và đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành ngoài những quy định trong Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hiến pháp năm 2013 đã cụ thể, chính xác hơn khi thay từ “mọi” bằng “các” và bổ sung “đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” cũng là đối tượng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong khi Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Việc cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định, Việt Nam chỉ có một chính đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quan điểm mơ hồ, lệch lạc về đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp của các thế lực thù địch, phản cách mạng là ảo tưởng chính trị không bao giờ trở thành sự thật ở Việt Nam.

Chức năng, nhiệm vụ của công đoàn

Điều 10, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được quy định tại Khoản 2, Điều 9, Hiến pháp năm 2013. Đây cũng là sự bổ sung hoàn toàn mới so Hiến pháp năm 1992. Riêng về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Hiến pháp năm 2013 dành hẳn một điều (Điều 10) nhằm làm rõ và cụ thể hơn so Điều 10, Hiến pháp năm 1992. Đó là việc bổ sung từ “chính đáng” vào cụm từ “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, đồng thời bổ sung “về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động” vào cụm từ “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”. Sự bổ sung này hoàn toàn chính xác. Thứ nhất, bổ sung “chính đáng” là sự vận dụng sáng tạo truyền thống và quan điểm của người Việt Nam trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở có lý, có tình (lý là hợp pháp, tình là chính đáng). Thứ hai, bổ sung “về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động” để một lần nữa khẳng định Công đoàn chỉ tham gia vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Trong khi Điều 10, Hiến pháp năm 1992 quy định chung chung, dễ gây nên sự nhầm lẫn, chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn với các cơ quan chuyên môn “... tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế”.                                             

Nguyễn Bảo

  • Từ khóa
108278

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu