Thứ 7, 27/04/2024 03:56:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:15, 04/07/2017 GMT+7

Công tác cán bộ - mấu chốt để đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”

Thứ 3, 04/07/2017 | 08:15:00 2,948 lượt xem

BP - Trải qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế và lực trên trường quốc tế của Việt Nam đã được nâng lên, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chúng ta đã phần nào hiện thực hóa được ước nguyện của Bác, không những đất nước đã hoàn toàn độc lập, nhân dân ta đã hoàn toàn tự do, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, mà phần lớn nhân dân đã được ăn ngon, mặc đẹp, được tạo điều kiện tốt nhất để học tập suốt đời. Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm bảo đảm tốt nhất trong khả năng của mình, đời sống mọi mặt và điều kiện làm việc, học tập cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Có thể nói, cán bộ các cấp đã đóng góp rất lớn vào công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, những sự việc đáng tiếc trong việc bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương vừa qua đã gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của đội ngũ cán bộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, trở thành lý do để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vu cáo, xuyên tạc, nói xấu chế độ, nói xấu Đảng. Điển hình như các vụ Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; Vũ Minh Hoàng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; Vũ Quang Hải - nguyên Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay vụ “bổ nhiệm thần tốc” một nữ trưởng phòng của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa và vụ cả nhà làm quan ở Hà Giang, Yên Bái, Bình Định, Hải Dương... Các vụ việc này, ngay sau khi bị báo chí phản ánh, đã gây bức xúc trong dư luận, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Vịn vào những vụ việc nổi cộm đó, các thế lực thù địch rêu rao rằng: Sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, những khuất tất trong công tác cán bộ thời gian qua là do từ bản chất của chế độ, là do mất dân chủ... Trắng trợn hơn, chúng còn vu khống cho Đảng ta là ban phát đặc ân, đặc quyền trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, là mua quan, bán chức. Phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn đó, chúng lớn tiếng kêu gọi phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam, đòi xóa Điều 4 trong Hiến pháp, tức là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nguy hiểm hơn, một số cán bộ, đảng viên của ta, sau khi nghỉ hưu đã bị các thế lực thù địch mua chuộc, lôi kéo, tự chuyển biến, thoái hóa, biến chất, trở thành công cụ cho chúng lợi dụng chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước.

Mặc dù chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, song điều đó đã chỉ ra một thực tế rằng, công tác cán bộ của ta trong thời gian qua còn những lỗ hổng để cho các cá nhân, các “nhóm lợi ích” lợi dụng trục lợi, nhằm kéo bè kết cánh, tạo phe nhóm “ăn rơ”, cục bộ địa phương, gia đình trị. Tình trạng cán bộ lãnh đạo ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương thao túng trong công tác cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân, người quen của mình vào những chức vụ quan trọng, vị trí công tác “dễ sinh lời” bị báo chí và dư luận phản ánh trong thời gian vừa qua đã gây bức xúc trong nhân dân. Thậm chí, có trường hợp còn tranh thủ bổ nhiệm, đề bạt một cách ồ ạt hàng loạt người thân quen vào các vị trí cao hơn trước khi về hưu. Đây là những hiện tượng nguy hiểm mà nếu không ngăn chặn sẽ tác động đến việc xây dựng bộ máy công quyền, liêm chính, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ. Đó là “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao thiếu tiên phong, gương mẫu; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế, chính sách trong bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”.

Do đó, hơn bao giờ hết, làm tốt việc đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ chính là vấn đề mấu chốt để đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” có hiệu quả, nâng cao sức đề kháng của Đảng, của chế độ hiện nay. Tinh thần ấy gần đây được thể hiện rõ nét trong phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2020. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chung tay xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Thủ tướng cũng chỉ rõ yêu cầu đối với việc bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ là chọn người tài chứ không chọn người nhà. Và nhân dân cũng đang mong mỏi, kỳ vọng Đảng, Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt, tới nơi, tới chốn, không để “chìm xuồng” những tập thể, cá nhân liên quan tới những vụ việc lùm xùm về công tác cán bộ, nhất là các tập thể, cá nhân đã tham mưu, ký bổ nhiệm cán bộ sai quy định. Có như vậy mới lấy lại niềm tin trong nhân dân, góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc, sai trái, vơ đũa cả nắm của các thế lực phản động về công tác cán bộ của Đảng ta. Điều đó còn góp phần tạo sự công bằng, bình đẳng cho các cán bộ chân chính, phấn đấu vươn lên bằng chính năng lực, khả năng của mình.

Để việc bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” có hiệu quả, cần phải có những giải pháp và hành động quyết liệt và phải tuân theo những quan điểm, đường lối xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII. Theo đó, việc bố trí và sử dụng cán bộ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn và sở trường. Đề bạt, bổ nhiệm đúng lúc, giao việc phù hợp năng lực chuyên môn của cán bộ, thay thế kịp thời những người không đảm đương được nhiệm vụ. Khuyến khích cán bộ từ chức, rút chức để nhận công việc thích hợp; kiên quyết bãi miễn và đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo, quản lý ở mọi cấp, mọi ngành những cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không đảm đương được nhiệm vụ. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ phải được thể chế hóa thành các quy chế, quy trình.

Mới đây, Bộ Chính trị khóa XII đã có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác cán bộ. Một khi các cấp, các ngành thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác cán bộ thì sẽ chấm dứt tình trạng cả nhà làm quan, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, chặn đứng hiện tượng thao túng, lạm quyền bổ nhiệm người nhà, người thân. Qua đó góp phần tích cực đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm đơn lẻ trong công tác cán bộ để chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước ta. 

Hồng Vân
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

  • Từ khóa
2638

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu