Thứ 7, 27/04/2024 07:45:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:18, 01/07/2015 GMT+7

Cần giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất ở Tân Hưng

Thứ 4, 01/07/2015 | 08:18:00 80 lượt xem
BP - Báo Bình Phước vừa nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi) trú ấp Suối Da, xã Tân Hưng (Đồng Phú) về việc tài sản trên đất của bà đang bị xâm hại. Mặc dù bà đã có đơn cầu cứu từ năm 2011, chính quyền các cấp ở Đồng Phú đã vào cuộc, nhưng đến nay việc xâm hại trên đất vẫn ngang nhiên diễn ra.

Nguồn gốc của mảnh đất

Theo đơn của bà Lan (ảnh), từ năm 2007, gia đình bà được ấp và UBND xã xét chọn là đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010 theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 33). Đến năm 2009, chồng bà là ông Lý Quảng La chết, gia đình chỉ còn bà đứng tên trong hộ khẩu. Sau khi ông La mất, gia đình bà Lan được cấp một căn nhà cấp 4 cùng với 0,5 ha cao su để canh tác tại ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng. Đến năm 2014, UBND huyện Đồng Phú đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà Nguyễn Thị Lan đứng tên với tổng diện tích 5.628m2.

Năm 2011, vợ chồng ông Lý Văn Kiều, là con riêng của ông La vào thu hoạch mủ cao su trên đất của bà. Bà Lan làm đơn khiếu nại thì UBND huyện và xã Tân Hưng đã giải quyết nhưng không dứt điểm. Vụ việc được đẩy lên cực điểm khi các buổi hòa giải ở cơ sở bất thành, vợ chồng ông Kiều vẫn tiếp tục khai thác mủ trong vườn cây của bà Lan.

Trao đổi phóng viên Báo Bình Phước, đại diện Đảng ủy, UBND xã Tân Hưng thừa nhận “vụ việc phức tạp vì những uẩn khuất bên trong nội bộ gia đình bà Lan”. Đương sự trong vụ tranh chấp này là quan hệ giữa “mẹ ghẻ con chồng” và mỗi bên đều có “ý đồ riêng” dù chính quyền rất quan tâm xử lý.

Đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi xảy ra tranh chấp, UBND huyện Đồng Phú đã có Văn bản số 1294 ngày 21-12-2011 về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của bà Lan. Tại văn bản này, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú khẳng định: “Nếu ai có tranh chấp đất với bà Nguyễn Thị Lan đều coi là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác”. Thế nhưng, vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm cho tới nay.

Một số người sống gần vườn cao su cho biết trước đây, giữa bà Lan và gia đình người con riêng có thỏa thuận ăn chia với nhau trong việc khai thác mủ. Tuy nhiên, hiện bà Lan không muốn để vợ chồng ông Kiều tiếp tục khai thác. Trong khi đó, ông Kiều cũng đã bỏ ra một ít vốn để chăm sóc vườn cây nên không đồng ý chấm dứt thỏa thuận. Tuy nhiên, theo một cán bộ UBND xã Tân Hưng: “Đó chưa phải là nguyên nhân chính của vụ tranh chấp. Nếu có chỉ là phần nhỏ. Nguyên nhân sâu xa là giành quyền thừa kế diện tích đất đã cấp cho hộ bà Lan! Bởi trong suy nghĩ của các đương sự, bà Lan hiện tuổi đã cao, sức yếu nên sớm muộn gì cũng phải “đi theo ông La”. Vậy tài sản mà Nhà nước đã cấp cho ông La, bà Lan sẽ thuộc về con cái của ông La”.

Khiếu kiện phải tuân theo luật

Việc thực hiện Chương trình 33 của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Trong khi đó, tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Các hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt phải sử dụng đúng mục đích để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo; không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất sản xuất trong thời gian 10 năm kể từ ngày được nhà nước giao đất; hộ được cấp đất sản xuất, đất ở, nhà ở khi di chuyển đi nơi khác sinh sống (ngoài địa bàn xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm giao đất ở, đất sản xuất đã được hỗ trợ cho chính quyền xã, phường, thị trấn quản lý...”. Nói cách khác, nhà nước cho các cá nhân là đối tượng thụ hưởng chương trình “mượn” phương tiện sản xuất và nơi an cư để vượt qua nghèo đói, chứ không phải để đem đi bán hay là quà thừa kế, cho tặng...

Như vậy, việc tranh chấp đất đai đối với hộ bà Lan nếu chỉ về thỏa thuận khai thác mủ thì rất dễ giải quyết. Bởi bà Lan là chủ sở hữu cho thuê, còn phía ông Kiều chỉ là người nhận thuê, nếu không thống nhất được sự ăn chia thì chấm dứt thỏa thuận. Nếu ông Kiều tiếp tục khai thác vườn cây của bà Lan là hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý. Dư luận ở Tân Hưng đang rất mong UBND xã sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, bà Lan phải thực sự làm chủ đất và tài sản có trên đất mà nhà nước đã cấp. 

Hiện Công an xã Tân Hưng đã yêu cầu vợ chồng ông Lý Văn Kiều ngưng mọi hoạt động khai thác mủ cao su trồng trên đất của bà Lan từ ngày 16-6-2015. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân trong vùng, nếu công an xã chỉ thông báo cấm mà không có biện pháp răn đe, giáo dục thì việc cấm này khó thực hiện. Bởi bà Lan tuổi cao sức yếu, không trực tiếp quản lý vườn như những đối tượng khác.

Tấn Phong

 

  • Từ khóa
51812

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu