Thứ 7, 27/04/2024 12:02:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:05, 25/11/2014 GMT+7

Nông dân Đồng Nơ vẫn chờ “vàng trắng”

Thứ 3, 25/11/2014 | 08:05:00 153 lượt xem
BP - Xã Đồng Nơ (Hớn Quản) có 90% diện tích trồng cao su với 2.119,2 ha, còn lại là điều, tiêu, cây ăn trái. Ông Hồ Công Thanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Đồng Nơ cho biết: Chưa năm nào diện tích cao su thanh lý nhiều như năm nay. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong tổng số 95 ha thanh lý thì nông dân xã Đồng Nơ trồng mới lại trên 90 ha.

Cơ hội cải tạo vườn già cỗi, năng suất kém

Trong lúc nhiều nông dân trăn trở tìm hướng đi khi mủ cao su rớt giá, gia đình cựu chiến binh Vũ Lê Năm - Trương Thị Cầu ở tổ 5, ấp 5 lại xem đây là cơ hội để cải tạo vườn già cỗi, năng suất kém. Có gần 7 ha cao su, đầu năm 2014, gia đình ông Năm đã thanh lý 2,7 ha 26 năm tuổi để tái canh giống mới cho năng suất cao, kháng bệnh tốt. Bà Cầu cho biết: Thanh lý 2,7 ha bán được hơn 300 triệu đồng tiền gỗ, đủ để tái canh và chăm sóc đến khi được khai thác. Để ứng phó với giá phân bón, tiền thuê công chăm sóc tăng, bà chọn giải pháp trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài.

Ông Lê Khắc Quân chăm sóc vườn cao su tái canh

Cùng quan điểm như vậy, ông Lê Khắc Quân ở ấp 2 đã tái canh giống mới cho năng suất cao hơn trên diện tích 2 ha (20 năm tuổi) vừa thanh lý. Với phương châm không để đất nghỉ, ông vừa trồng xen bắp vừa cho thuê phần đất còn lại để lấy chi phí chăm sóc vườn cây.

Ông Hồ Công Thanh cho biết: Giá mủ cao su hiện xuống thấp, người dân thanh lý vườn cây sớm hơn dự kiến từ 1 đến 3 năm để có tiền trang trải cuộc sống và đầu tư trồng mới những giống chất lượng hơn.

Bài học về niềm tin

Trước đây, gia đình bà Cầu từng thăng trầm với nhiều loại cây trồng, vật nuôi vì khó chăm sóc, dịch bệnh, mất mùa, mất giá. Bà cho rằng, mủ cao su giờ giá thấp nhưng ngày nào cũng có thu. Xem truyền hình thấy nhiều nơi nông dân chặt bỏ cao su nhưng bà không nao núng. Nhiều người hỏi sao không trồng cây khác hiệu quả hơn, bà nói: “Giá mủ giảm nhưng rồi sẽ tăng. Mình trồng đâu phải ăn trước mắt mà nhìn về lâu dài”.

Thực tế những năm 2001, giá cao su đã chạm đáy, nhiều người ồ ạt đốn bỏ cao su, song gia đình bà Cầu vẫn giữ vườn. Đến năm 2008, cao su được giá, gia đình bà có tiền xây nhà khang trang, trong khi nhiều người tiếc nuối. Những năm 1998, 1999 cao su rớt giá còn khoảng 68 đồng/độ, hàng xóm của ông Quân thanh lý vườn cao su mới 7 năm tuổi, còn ông tin rằng, mỗi loại cây đều chịu sự biến động của thị trường.

Ông Quân nói: Hiện còn 5 sào đang khai thác chỉ đủ để mua thức ăn hàng ngày nhưng tôi vẫn chăm sóc tốt. Ông Hồ Thế Kỷ, Trưởng ấp 2 cho biết: “Nông dân Đồng Nơ vẫn tin vào cây cao su, nên dù thanh lý vẫn trồng mới và trồng xen hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Và bà con không thanh lý hàng loạt mà để lại một diện tích đủ chi tiêu hàng ngày”.

Chia tay bà Cầu, ông Quân trong cái gió mát lạnh, những ngọn cao su đang đâm chồi xanh vươn lên hứng ánh mặt trời như niềm tin của bà con nơi đây về một ngày tươi sáng của loại cây “vàng trắng” này.                              

Thanh Mai

  • Từ khóa
37982

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu