Thứ 7, 27/04/2024 06:23:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:02, 21/06/2017 GMT+7

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2017)

Báo Bình Phước trong mắt công chúng

Thứ 4, 21/06/2017 | 11:02:00 1,490 lượt xem

BP - Là cơ quan của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước, vì thế suốt hơn 20 năm qua, Báo Bình Phước đã từng bước trưởng thành và khẳng định vị thế; địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin nhanh, chính xác và là món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn công chúng trong tỉnh ở nhiều vị trí công tác khác nhau để có thêm những đánh giá khách quan về một tờ báo tỉnh, từ đó giúp đội ngũ người làm báo tiếp tục nỗ lực đáp ứng kỳ vọng của bạn đọc hiện nay.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hớn Quản Nguyễn Thị Kim Ngọc: Ngày nào tôi cũng đọc Báo Bình Phước

Giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở huyện Hớn Quản nên bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thường xuyên cập nhật tin tức qua báo chí, nhằm phục vụ tốt hơn công tác điều hành của mình. Bà Ngọc cho biết: “Tuy thường xuyên đi cơ sở nhưng tôi không thể nắm cùng lúc biến động mới xảy ra ở nhiều nơi. Nhờ có báo chí tôi đã kịp thời nắm thông tin trên địa bàn tỉnh nói chung và Hớn Quản nói riêng. Qua đó, tôi cùng Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý ngay những vấn đề mới phát sinh, không để kéo dài, gây bức xúc dư luận. Báo Bình Phước cũng đem đến cho tôi thông tin bổ ích về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội ở nhiều huyện, thị xã trong tỉnh. Từ cả tích cực và tiêu cực báo chí nêu tôi đều lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm trong điều hành tại huyện được tốt hơn. Từ Báo Bình Phước tôi cũng sớm biết trên địa bàn huyện có những nhân tố điển hình, sáng kiến hay... để kịp thời động viên, khen thưởng. Bên cạnh đó, tôi đã cùng Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các chi bộ thôn, ấp mua và đọc Báo Bình Phước”.

Chủ tịch Hội đồng già làng xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú Điểu Xết (1944): Tôi vui khi Báo Bình Phước có tờ tin ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số

Già làng Điểu Xết sống tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, nơi có tới 85% đồng bào dân tộc S’tiêng. Với uy tín của mình, già Điểu Xết thường xuyên có mặt khi người dân cần. Ông nói: “Ở đâu đánh nhau, gây rối, vợ chồng, con cái khúc mắc là tôi đến và nói tới đâu “êm” tới đó liền. Không phải họ sợ mà vì mình biết nói ngọt, nói đàng hoàng, phân tích đúng sai. Tôi rất vui khi Báo Bình Phước có riêng một tờ tin ảnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy không biết chữ nhưng tôi đưa bọn trẻ đọc để nêu gương cho mọi người trong thôn, giúp bà con không để con em bỏ học, có thêm kinh nghiệm tăng gia sản xuất, chăn nuôi nâng cao cuộc sống. Nhờ Báo Bình Phước mà tôi cũng giúp được đồng bào nhiều việc, nhất là lớp trẻ tu chí làm ăn, không trộm mủ cao su, tụ tập đánh nhau”.

Trưởng công an xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập Đậu Đình Lương: Báo Bình Phước giúp tôi có thêm kinh nghiệm công tác

Phú Văn là xã vùng sâu, xa của huyện Bù Gia Mập. Thời gian qua, bên cạnh triển khai hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an xã Phú Văn còn chủ động tham mưu cấp ủy, UBND xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các cấp, ngành cùng toàn dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự. Nói về ảnh hưởng của Báo Bình Phước đối với công việc của mình, anh Lương chia sẻ: “Tôi vẫn thường cập nhật thông tin về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, huyện và Phú Văn để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, ý thức của người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được nâng lên qua từng năm. Báo Bình Phước cũng giúp tôi học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp cũng như chỉ đạo của cấp trên để bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm. Từ đó sớm phát hiện và xử lý ngay tại cơ sở. Đồng thời giúp đỡ các đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác với thủ đoạn tinh vi của các loại tội phạm”.

Thượng tá - bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện quân dân y 16 Võ Thành Mười: Đảm bảo tốt sức khỏe quân - dân không thể thiếu vai trò của báo chí

Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, những năm qua cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện quân dân y 16 (Binh đoàn 16) đứng chân trên địa bàn phường Tân Xuân (Đồng Xoài) đã nỗ lực vượt khó, từng bước nâng cao chuyên môn, y đức của người thầy thuốc, tiếp cận các phương tiện y tế tiên tiến để chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk. “Đứng chân trên địa bàn tỉnh nên chúng tôi thường xuyên tìm hiểu đời sống nhân dân ở đây để phục vụ tốt hơn và Báo Bình Phước là kênh thông tin rất có giá trị. Qua báo chí thấy đời sống người dân vùng sâu, xa có nhiều khởi sắc nhưng một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn không ít khó khăn nên chúng tôi đã đến tận nơi điều trị miễn phí. Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2017), chúng tôi đã dành hai ngày 17 và 18-5, tổ chức khám bệnh, phát thuốc và tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số 2 xã Thiện Hưng, Tân Thành (Bù Đốp). Nhờ có báo chí góp sức đưa thông tin mà người dân hiểu và đến với bệnh viện ngày càng đông. Theo đó, chúng tôi cũng đề ra nhiệm vụ phải luôn nỗ lực hết mình phục vụ tốt khám, chữa bệnh và giảm áp lực chi phí cho bệnh nhân, nhất là người nghèo. Không chỉ y, bác sĩ phục vụ chu đáo mà còn “nói không với phong bì” để khẳng định thông tin báo chí đáng tin cậy”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
18233

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu