Thứ 7, 27/04/2024 06:18:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:45, 10/01/2017 GMT+7

Ấp trưởng Trần Quang Khải: Nói dân nghe, làm dân tin

Thứ 3, 10/01/2017 | 08:45:00 707 lượt xem
BP - Cách trung tâm xã Minh Lập (Chơn Thành) 13km, ấp 5 trước kia với rừng le, gỗ tạp, đường đất đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt thì giờ đây diện mạo khu dân cư đã đổi thay. Đường vào ấp được sửa chữa, nhà cửa khang trang, cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, trẻ em được đến trường đầy đủ. Có được thành quả đó là nhờ sự đầu tư của Nhà nước và đồng lòng của nhân dân. Và người góp công không nhỏ là ông Trần Quang Khải (ảnh), Trưởng ấp 5 kiêm cán bộ dân số gần 20 năm qua.

Ấp 5, xã Minh Lập hiện có 104 hộ dân, trong đó 33 hộ dân tộc thiểu số. Ấp xa trung tâm, diện tích rộng, giao thông trước đây gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu từ nơi khác đến, trình độ dân trí hạn chế, lại sinh nhiều con. Năm 1996, gia đình ông Khải từ Hải Dương vào Minh Lập lập nghiệp. Ông Khải nói: “Năm 2001, ấp không có ai làm dân số. Trước tình cảnh đó, sau khi bàn với nhân dân trong ấp, tôi đã ra gặp lãnh đạo xã xin làm Tổ trưởng tổ nhân dân kiêm cán bộ dân số để giúp bà con thoát nghèo”. Ông cho rằng đàn ông làm dân số cũng tốt, gặp người chồng để tuyên truyền cũng thuận. “Bây giờ xu thế chỉ sinh 1-2 con, các cậu sinh nhiều thì cả gia đình đều khổ”, đây là câu cửa miệng mà đi bất cứ đâu, gặp ai trong ấp tuyên truyền chính sách dân số ông đều nói và lấy những ví dụ rất gần gũi, sinh động để người dân hiểu rằng không sinh nhiều con thì cha mẹ mới có điều kiện nuôi dạy con tốt, lo cho ăn học đầy đủ. Có như vậy hộ dân mới vươn lên thoát nghèo, ấp hết nghèo thì xã mới phát triển được.

Đến nay, ấp 5 vẫn còn 2 hộ sinh con thứ ba nhưng đây cũng là một tiến bộ vượt bậc. Bởi lẽ trước đây nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh 5-10 con, tỷ lệ thất học cao, thậm chí đến  năm 2000 vẫn còn 50 trẻ chưa được đăng ký khai sinh. Xót xa trước cảnh con em trong ấp không có giấy khai sinh, không được đến trường vì phải ra tận trung tâm xã mới có trường lớp, ông Khải đã cùng ban ấp mời cán bộ hộ tịch xã vào đăng ký khai sinh cho 50 em, đồng thời kiến nghị chính quyền xã xin một điểm trường tại ấp. Nhờ vậy, con em trong ấp đều học hết lớp 5. Hiện nhiều gia đình người Kinh có con học đại học, nhiều hộ đồng bào có nghề nghiệp ổn định.

Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng ông Khải vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. “Phải làm sao cho dân tin mình là quan trọng nhất. Dân có tin mới nghe mình nói, ủng hộ việc mình làm, có như vậy mọi việc mới thành công. Ngoài ra, phải biết nắm bắt tâm tư, tình cảm và phản ánh những ý kiến chính đáng của người dân đến Đảng, chính quyền” - ông Khải chia sẻ. Vì lẽ đó, trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân ấp 5 tự đóng góp 200 xe đất và 15 triệu đồng để sửa đường. Hiện ấp đã vận động được 44 triệu đồng để làm đường nông thôn mới.

Trong gia đình, ông Khải là người ông, người cha mẫu mực và là tấm gương sáng trong phong trào học tập. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông quan niệm “kiến thức luôn bổ ích, dừng học là sẽ bị lạc hậu”. Vì thế hằng ngày, ông thường xuyên xem tin tức thời sự, các chuyên mục khoa học để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công việc và hoạt động xã hội.

Giờ đây, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ấp 5 không ngừng được nâng lên, 5 năm liền ấp đều đạt khu dân cư văn hóa, toàn ấp chỉ còn 3 hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều). Kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của Trưởng ấp Trần Quang Khải mà nhân dân trong ấp đều tin yêu, ghi nhận.

Nhật Lê

  • Từ khóa
17202

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu