Thứ 6, 26/04/2024 19:13:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:11, 23/10/2014 GMT+7

1.600 hộ dân tộc thiểu số bán điều non, cầm cố và bán đất

Thứ 5, 23/10/2014 | 15:11:00 176 lượt xem
BP - Tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, sang nhượng quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhất là các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh... Đó là đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh ngày 21-10 tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh.

Theo kết quả rà soát, thống kê của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh có 668 hộ bán điều non với diện tích hơn 1.000 ha với số tiền khoảng 11 tỷ đồng; 167 hộ vay nặng lãi với số tiền hơn 4 tỷ đồng, thời gian vay từ 1-5 năm; 459 hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất với diện tích 565,64 ha; 306 hộ sang nhượng đất ở, đất sản xuất với diện tích 306,59 ha.

Báo cáo tại buổi sơ kết cho thấy, tuy đạt những kết quả bước đầu nhưng việc thực hiện Chỉ thị 14 vẫn còn một số tồn tại: Việc xác minh, xử lý đối tượng lợi dụng, lừa đảo đồng bào dân tộc thiểu số vay nặng lãi, bán điều non, sang nhượng quyền sử dụng đất... chưa chủ động. Khó khăn thu thập thông tin khai báo từ các hộ dân vì các giao dịch đều thỏa thuận bằng miệng hoặc viết tay, không có xác nhận của chính quyền. Công tác tuyên truyền, vận động người dân còn hạn chế, chưa thường xuyên nên bà con thiếu cảnh giác, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Việc quản lý đất đai ở cơ sở chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng sang nhượng đất trái pháp luật...

Chủ trì và chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong cho rằng: Chỉ thị 14 được triển khai thực hiện đã 4 năm nhưng hiệu quả chưa cao. Ban Dân tộc tỉnh và các huyện, thị phải nắm rõ tình hình đời sống người dân sau khi bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng đất, từ đó phân tích sâu nguyên nhân để tìm ra giải pháp hữu hiệu. Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục nghiên cứu Chỉ thị 14, tham mưu UBND tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh hoặc thay thế bằng văn bản mới để nâng cao hiệu quả thực hiện. 

Phương Dung

 

 

  • Từ khóa
50085

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu