Thứ 4, 08/05/2024 11:20:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 09:00, 03/10/2023 GMT+7

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 03/10/2023 | 09:00:08 1,968 lượt xem

Bài cuối:
DẤU ẤN SAU HƠN 10 NĂM XÂY DỰNG


Vũ Thuyên

BPO - Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều kết quả tích cực với 66/86 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn NTM. Dù số đơn vị được công nhận đạt chuẩn chưa cao do vướng quy định mới nhưng tiêu chí đạt chuẩn là rất ấn tượng với 73/86 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 18,35 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Những con số ấn tượng

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó mỗi năm nhân dân đóng góp đối ứng khoảng 100 tỷ đồng cùng Nhà nước xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trong tỉnh đã phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng, góp phần tích cực, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn. Hệ thống thủy lợi được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới với 73 công trình vừa và nhỏ các loại; trong đó, 62 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn với năng lực thiết kế tưới 9.286 ha, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642m3/ngày, đêm. 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là xã hội hóa giáo dục, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được xây dựng mới, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định với 175/388 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao (TTVHTT) và hội trường; trong đó, 66/111 TTVHTT đạt chuẩn theo quy định. Các TTVHTT xã đạt chuẩn có diện tích sử dụng từ 300m2 trở lên, khu thể thao từ 1.500m2 trở lên. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, có dịch vụ viễn thông, internet đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho tổ chức và cá nhân. 100% xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp.

Mô hình trồng nhãn Thái trên đất cát pha ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản phát huy hiệu quả cấp số nhân

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của UBMTTQVN tỉnh, huyện, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân đã xây dựng mới, sửa chữa hàng ngàn căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nên đại bộ phận cư dân nông thôn có điều kiện để tự chỉnh trang nhà ở, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bình Phước hiện chỉ còn 2.879 hộ nghèo, chiếm 1,03% tổng số hộ dân, trong đó có 1.696 hộ nghèo DTTS. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm thêm 2.000 hộ nghèo, trong đó 50% là hộ DTTS.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Dù đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Bình Phước vẫn còn 13/86 xã chưa hoàn thành các tiêu chí NTM. Đây là các xã vùng sâu, vùng xa, có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên nhu cầu kinh phí trong xây dựng NTM rất lớn. Phần lớn dân cư nông thôn sinh sống bằng nghề nông nhưng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bền vững, vẫn phụ thuộc vào tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường. Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn chậm, sản xuất nhỏ, phân tán chưa được khắc phục triệt để. Liên kết, hợp tác sản xuất để hình thành các chuỗi giá trị chưa nhiều. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa.

Người dân xã Bình Tân, huyện Phú Riềng thu gom rác thải nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn

Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho NTM tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế; trong khi khả năng đóng góp của nhân dân hạn chế, do thời gian gần đây giá các mặt hàng nông sản giảm. Tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm và chưa bền vững; việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn. Nhiều xã chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. Chưa huy động được nguồn vốn tín dụng và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn xây dựng NTM.

Để chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất, có tác động lớn, toàn diện đến xã hội cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc một cách quyết liệt với phương châm “NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Theo đó, cần lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng. Trong đó, phải biết “giữ lửa” phong trào xây dựng NTM ở nông thôn.

Vì sao chưa cán đích đúng lộ trình?

Năm 2022, toàn tỉnh có 7 xã được đầu tư cán đích NTM tiêu chuẩn và 9 xã đầu tư cán đích NTM nâng cao nhưng đến nay chưa được công nhận. Đặc biệt, Đồng Phú và Chơn Thành là 2 đơn vị cấp huyện phấn đấu về đích NTM từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chờ đợi công nhận.

Phước Thiện, huyện Bù Đốp là 1 trong 7 xã của tỉnh được đầu tư cán đích NTM năm 2022, đến đầu năm 2023 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận. Nguyên nhân được Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Thắng lý giải là do giai đoạn 2015-2020 đã hết nên phải thực hiện theo giai đoạn mới 2021-2025. Và Phước Thiện là một trong những xã thực hiện theo bộ tiêu chí mới nên tiêu chí số 1 về quy hoạch phải điều chỉnh lại nên chậm hơn. Hiện tiêu chí này xã đã hoàn thiện trình cơ quan chức năng thẩm định.

Tương tự, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú được đầu tư cán đích NTM nâng cao năm 2023 nhưng đến nay vẫn vướng quy định mới là tiêu chí quy hoạch. Thời gian qua, UBND xã và huyện đã cam kết triển khai thực hiện hoàn thành để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cơ quan chức năng xem xét, thẩm định.

Lý giải về nguyên nhân Đồng Phú chưa được công nhận huyện NTM, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Tú Anh cho biết: Năm 2021, huyện đã hoàn thành hồ sơ gửi tỉnh thẩm tra, Trung ương thẩm định. Tuy nhiên, thời điểm đó cả nước xảy ra dịch Covid-19 nên tỉnh và Trung ương không thể sắp xếp đoàn thẩm tra, thẩm định. Sang năm 2022 lại vướng vào quy định mới nên phải hoàn thiện lại tiêu chí quy hoạch và đã trình UBND tỉnh thẩm tra, Trung ương thẩm định.

Với phương châm “NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước tiếp tục giữ vững và nâng chất đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2011-2020; tập trung thực hiện và phấn đấu đạt chuẩn NTM đối với những xã còn lại. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu và có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2023-2025, Đồng Phú và Lộc Ninh phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao.


Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng nông thôn Bình Phước được đầu tư đồng bộ, kinh tế tăng trưởng, chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân cải thiện. Và cũng như nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước, Bình Phước đang từng ngày khởi sắc với sự phát triển bền vững bằng chính sự chung tay xây dựng, đóng góp của mỗi người dân.

  • Từ khóa
178850

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu