Thứ 5, 09/05/2024 02:42:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 14:27, 02/10/2023 GMT+7

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 02/10/2023 | 14:27:09 1,806 lượt xem

Bài 4:
GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH

"MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM"


Vũ Thuyên

BPO - OCOP là tên gọi tắt Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” nhằm đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và tăng giá trị do Chính phủ đề ra. Trọng tâm của chương trình là phát huy sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Tại tỉnh Bình Phước, sau hơn 4 năm triển khai gắn với chương trình nông thôn mới (NTM) đã tạo nhiều nguồn lực để tỉnh bứt phá với 96 sản phẩm đạt OCOP.

Niềm vinh dự

Tân Lập, huyện Đồng Phú là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và năm 2021 công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Điều đáng mừng và hy hữu là cũng tại địa phương này, mới đây 3 sản phẩm là Hạt điều rang muối, Hạt điều nguyên vị và Hạt điều nhân trắng của Công ty cổ phần Hà Mỵ được công nhận OCOP 5 sao. Đây là lần đầu tiên Bình Phước vinh dự có sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Tiền thân là một cơ sở thu mua, kinh doanh nông sản xuất khẩu nhưng Công ty cổ phần Hà Mỵ đi tiên phong trong chế biến sâu về hạt điều của tỉnh. Để khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng vượt trội, các sản phẩm của công ty được chế biến 100% từ hạt điều Bình Phước, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên cả nước. Đó là sản phẩm điều nguyên liệu đưa vào chế biến được thu mua từ các hộ nông dân, hợp tác xã theo hợp đồng liên kết, có mã số truy xuất nguồn gốc và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, chặt chẽ, với phương thức canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng chất hóa học giúp hạt điều của công ty luôn đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng. Đặc biệt, các quy trình sản xuất, chế biến sâu cũng như mẫu mã, bao bì của công ty đã vươn ra tầm quốc tế để đáp ứng các thị trường khó tính.

Công ty cổ phần Hà Mỵ (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào chế biến sâu

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ Nguyễn Thị Mỵ chia sẻ: Chiến lược và mục tiêu sản xuất của công ty luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, theo quy trình chuẩn quốc tế BRC (British Retail Consortium - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc) và tiêu chuẩn cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước.

Với phương châm “vươn lên từ đất mẹ”, Công ty cổ phần Hà Mỵ luôn chú trọng các sản phẩm tự nhiên, khai thác tiềm năng và lợi thế của sản vật Việt, hình thành những sản phẩm mang đến sự thú vị và niềm tin đối với người tiêu dùng. Hiện công ty có 50 dòng sản phẩm, trong đó 25 dòng được chế biến sâu với kích thước, trọng lượng, mẫu mã, hương vị khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, để sản phẩm hạt điều Hà Mỵ vươn ra biển lớn không chỉ có sự đóng góp, cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu ở trong và ngoài nước như Mỹ, Pháp mà còn có sự nỗ lực, tâm huyết và làm việc rất chuyên nghiệp của mỗi cán bộ, nhân viên công ty hàng chục năm qua. 

Để đạt sản phẩm OCOP 5 sao, trước đó Công ty cổ phần Hà Mỵ có 9 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận OCOP 4 sao và được chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia. Các sản phẩm của công ty hiện xuất khẩu ra toàn thế giới, đặc biệt đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Đài Loan. Đối với nội địa, sản phẩm Hà Mỵ làm nhãn hàng riêng cho hệ thống siêu thị lớn nhất của Việt Nam là Co.opmart.

Dù đạt OCOP 5 sao nhưng đối với Công ty cổ phần Hà Mỵ, đó chưa phải là thành công mà chỉ là bước đầu. Bởi ngoài duy trì các dòng sản phẩm đã đạt, công ty đang có kế hoạch xây dựng nhà máy đạt chuẩn Organic và mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ. Ngoài 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, Công ty cổ phần Hà Mỵ đang đề nghị Trung ương chứng nhận thêm 4 sản phẩm khác. Đó là Hạt điều rang vị quế Việt Nam, Hạt điều rang vị vani mật ong New Zeland, Hạt điều rang vị cacao Aztecs và Hạt điều rang vị gừng Nhật Bản.

Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP

Xã Tân Lập có sản phẩm chứng nhận OCOP 5 sao đầu tiên thì huyện biên giới Lộc Ninh trong top đầu của tỉnh về sản phẩm OCOP. Để có kết quả nổi bật này, những năm qua, huyện Lộc Ninh luôn xác định Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí “hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh Trần Hùng cho biết: Lộc Ninh bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP ngay từ đầu năm 2021. Quá trình triển khai thực hiện nhận được sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình của các chủ thể. Đến nay, trên địa bàn huyện có 23 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP hạng 3-4 sao và phấn đấu có thêm 5 sản phẩm nữa trong thời gian tới. Trong đó, nhiều nhất là xã Lộc Quang có 10 sản phẩm, Lộc Thịnh 5 sản phẩm, Lộc Thiện 3 sản phẩm…

Công nhân Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Đồng Phú) phân loại nhân hạt điều trắng

Có được kết quả nổi bật nêu trên, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp… về sản phẩm OCOP; lợi ích khi tham gia cũng như hiệu quả kinh tế mang lại khi được chứng nhận sản phẩm OCOP… Song song đó, Tổ hỗ trợ OCOP huyện phối hợp với UBND các xã hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cũng như thực hiện đúng, đủ các bước theo quy định. Đối với những sản phẩm được chứng nhận, tổ công tác còn hỗ trợ chủ thể nâng chất các sản phẩm như bao bì, nhãn mác…

Với chỉ tiêu đề ra, trong nhiệm kỳ mỗi xã phấn đấu có 1 sản phẩm OCOP; thành lập 6 tổ hợp tác (THT) và 3 HTX hoạt động hiệu quả. Bởi vậy, ngoài chương trình OCOP, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia thành lập THT, HTX, coi đây là cuộc cách mạng của nông dân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải giúp nông dân biết được THT, HTX là gì và lợi ích khi thành lập, hoạt động. Vì thế, cùng với sản phẩm OCOP, số lượng THT, HTX ngày một tăng và hoạt động hiệu quả. Đến nay, huyện Lộc Ninh đã thành lập 28 THT với 252 hội viên, 42 HTX với 574 thành viên.

Hướng đến số hóa

Bình Phước triển khai thực hiện mạnh mẽ Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu. Đến nay, tỉnh có 96 sản phẩm OCOP hạng từ 3-5 sao với hơn 31 chủ thể có sản phẩm, lũy kế đến cuối năm 2023 có 107 sản phẩm. Các loại sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Bình Phước phải kể đến là hạt điều rang muối, bánh hạt điều, tiêu sấy khô và chế biến muối tiêu, mật ong, yến sào, gạo, bưởi, sầu riêng, bơ, ổi, hoa khô…

Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh thì kinh tế số là mục tiêu quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Việc phát triển kinh tế số đang được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước xây dựng và hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, sản phẩm OCOP từng bước số hóa nhằm phấn đấu năm 2023 có 30% sản phẩm OCOP được số hóa.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang phát triển phần mềm nội bộ. Cụ thể, xây dựng hệ thống phần mềm Chuyển đổi số công tác đánh giá, phân hạng và quản lý chương trình OCOP; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, tăng cường áp dụng công nghệ số trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; kết nối với các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

  • Từ khóa
178836

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu