Thứ 2, 20/05/2024 04:04:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 08:42, 27/09/2023 GMT+7

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 27/09/2023 | 08:42:06 1,837 lượt xem

Vũ Thuyên

BPO - Bình Phước là tỉnh miền núi với 19,67% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). So với mặt bằng chung của cả nước, Bình Phước xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới còn thiếu và yếu. Bởi vậy, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của người dân, sự chung tay góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp cùng với Nhà nước đã làm khởi sắc nhiều vùng nông thôn.

Bài 1:
ĐỔI THAY Ở VÙNG BIÊN


Bù Đốp là huyện biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chậm phát triển. Tuy nhiên, nhờ sự đồng lòng, đóng góp của người dân, Bù Đốp đã thực hiện nhiều công trình, phần việc cùng với Nhà nước hoàn thành các tiêu chí NTM. Đến nay, 6/6 xã của huyện đạt 19/19 tiêu chí NTM; trong đó 5/6 xã đạt chuẩn, chỉ còn xã Phước Thiện đang trình UBND tỉnh công nhận trong thời gian tới.

Đi dân nhớ, ở dân thương

Những năm qua, Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 được xem là “bà đỡ” cho người dân vùng dự án, nhất là với các hộ DTTS khó khăn ở huyện Bù Đốp. Trong xây dựng NTM, đơn vị luôn xem đây là nhiệm vụ không thể tách rời, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống người dân.

Một buổi chiều của ngày đầu tháng 9, dù trời nắng gắt nhưng hàng chục cán bộ, chiến sĩ, công nhân Đội sản xuất số 5, Trung đoàn 717 vẫn đội nắng lên đường giúp dân phát quang cỏ cây, bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường. Dù khu dân cư rộng, tuyến đường dài, trong khi lực lượng có hạn nhưng do được bố trí, sắp xếp, phân công cụ thể mỗi người một việc nên chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, các tuyến đường được dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp là hướng đi mới hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Xuân Đài, Đội trưởng Đội sản xuất số 5, Trung đoàn 717 chia sẻ: Hơn 20 năm qua, đơn vị luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ; được nhân dân bao bọc, che chở, tạo mọi điều kiện để phát triển, trưởng thành. Bởi vậy, đơn vị luôn thực hiện phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương”, tham gia đóng góp cùng với nhân dân xây dựng NTM và nhiều hoạt động khác.

Ấp Tân Hội, xã Tân Thành là khu dân cư vùng sâu, vùng xa, với 70% số dân là đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, nhà văn hóa, đèn đường thắp sáng trong ấp được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, 100% tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo nên diện mạo mới cho khu dân cư. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Đội sản xuất số 5, Trung đoàn 717.

Ông Trần Ngọc Hỷ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành, nhà ở ấp Tân Hội cho biết: Tân Hội là ấp vùng sâu, vùng xa, biên giới, còn nhiều khó khăn nên luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ mọi mặt về vật chất, tinh thần của Trung đoàn 717, trực tiếp là Đội sản xuất số 5. Ngoài tham gia hàng trăm ngày công xây dựng NTM, công trình phúc lợi, đơn vị còn đóng góp kinh phí cùng Nhà nước làm các tuyến đường giao thông, công trình ánh sáng biên cương. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập tăng cao. Bởi vậy, Tân Hội từ khu dân cư nghèo khó, nay đã “thay da, đổi thịt”, nối gần khoảng cách với các khu vực trung tâm khác.

Sau 24 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trung đoàn 717 đã quy hoạch, sắp xếp ổn định 11 cụm dân cư dọc tuyến biên giới gắn với thế trận phòng thủ của địa phương; tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, hộ nhận khoán, trong đó có 400 hộ DTTS. Đồng thời đầu tư xây dựng 140km đường giao thông nội vùng; 52km đường nhựa, đường bê tông; 28km đường điện trung, hạ thế... trở thành những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn đứng chân.


Khi lòng dân đồng thuận

Nhà văn hóa ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện được xây dựng trên diện tích 1.400m2, nằm sát đường nhựa liên ấp. Với diện tích đất rộng, ngoài xây dựng hội trường rộng rãi, khang trang làm nơi hội họp, công trình vệ sinh khép kín thì số diện tích đất còn lại được đổ bê tông làm khuôn viên sân. Đây không chỉ là nơi để người dân hội họp mà còn là địa chỉ lý tưởng để họ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao bổ ích. Có được mảnh đất để xã Phước Thiện xây dựng khuôn viên nhà văn hóa không ai khác chính là nhờ ông Lê Xuân Diễn, Trưởng ấp Mười Mẫu. Khi được hỏi về lý do hiến mảnh đất rộng, trị giá hàng trăm triệu đồng, ông Diễn cho biết: Ấp có đông dân cư lại sinh sống ở 3 khu vực tách biệt. Trong khi đó, dù ấp đã có nhà văn hóa nhưng xây dựng trên diện tích chật hẹp, không đảm bảo tiêu chuẩn, lại ở xa trung tâm nên gia đình tôi quyết định hiến đất để phục vụ sinh hoạt của người dân.

Thời gian qua, mô hình lò đốt rác mini gia đình ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường

Cùng với hiến đất xây nhà văn hóa, người dân xã Phước Thiện còn hiến hơn 5.000mđất xây dựng đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, ấp Điện Ảnh và ấp Mười Mẫu là 2 khu dân cư vùng sâu, vùng xa, nơi có hơn 50% số dân là đồng bào DTTS sinh sống, nhưng ở đây phần lớn người dân xây dựng lò đốt rác mini tại gia đình. Dân cư sinh sống thưa, xa trung tâm, các phương tiện không thể vào tận nơi thu gom rác thải thì đây là giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

Khuôn viên nhà văn hóa ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp có được như ngày hôm nay là nhờ công hiến đất của trưởng ấp Lê Xuân Diễn

Chung tay của cả hệ thống chính trị

Với sự chung tay, góp sức của người dân, đến nay Phước Thiện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đang trình UBND tỉnh công nhận đạt xã NTM. Chủ tịch UBND xã Phước Thiện Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: Để thực hiện thành công NTM, Đảng ủy, UBND xã chú trọng xây dựng nghị quyết, đề ra kế hoạch cụ thể và triển khai đến từng cán bộ, làm sao để huy động tốt nguồn lực của người dân. Đây là vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, làm sao để dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cùng với địa phương thực hiện hoàn thành nhiệm vụ này.

Đường vào ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp khang trang, sạch đẹp - thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới

“Trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phần lớn các tuyến đường trên địa bàn nhỏ, hẹp. Để xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông đảm bảo chất lượng, chúng tôi phải vận động nhân dân hiến đất. Và để thực hiện thành công, cán bộ lão thành, đảng viên làm gương đi đầu, từ đó mới huy động được sức mạnh của toàn dân” - ông Thắng chia sẻ kinh nghiệm.

Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, Bù Đốp đã có nhiều đổi thay vượt bậc, nhất là hệ thống giao thông nông thôn.

Chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật sau hơn 10 năm xây dựng NTM ở địa phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, nhờ huy động từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia nên hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Trong đó, hệ thống giao thông đã cứng hóa, nhựa hóa, bê tông hóa đạt hơn 95%.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh   tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân nâng lên. Ngoài đóng góp nguồn lực xây dựng NTM thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao nhờ nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp. Kết quả đó là từ thay đổi tư duy làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường hiện nay.

  • Từ khóa
178285

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu