Chủ nhật, 28/04/2024 06:12:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Ẩm thực 14:17, 02/12/2023 GMT+7

Lịch sử của mỳ ăn liền - món ăn được ưa thích trên toàn thế giới

Nguồn TTXVN
Thứ 7, 02/12/2023 | 14:17:29 1,741 lượt xem
Mỗi khi thấy dòng người xếp hàng dài ngoài phố để mua một tô mỳ nóng, Momofuku Ando cứ băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay thì tiện biết bao.

Mỳ ăn liền Chikin Ramen. (Nguồn: Wikipedia)

Mỳ ăn liền Chikin Ramen. (Nguồn: Wikipedia)

Mỳ ăn liền là một sáng chế của Momofuku Ando, chủ sở hữu và là người sáng lập công ty Nissin nổi tiếng tại Nhật Bản năm 1958.

Ando sinh ra và lớn lên tại Đài Loan. Sau chiến tranh, ông phải lựa chọn giữa việc tiếp tục là một công dân Nhật Bản hoặc trở thành công dân Đài Loan. Ando đã lựa chọn phương án thứ hai để tiếp tục gìn giữ tài sản thừa kế của mình tại Đài Loan nhưng sau đó sống tại Nhật Bản. Sau đó ông thành lập công ty sản xuất muối Nissin tại Osaka.

Năm 1953 và 1954, các trang trại của Mỹ đã thu hoạch một vụ lúa mỳ cực kỳ bội thu, và trong những năm đầu sau chiến tranh, Mỹ viện trợ bằng các nông sản dư thừa. Vào thời điểm đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều lâm vào cảnh thiếu lương thực chính.

Với dòng chảy bột mỳ viện trợ từ Mỹ, chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân tích cực ăn bánh mỳ được làm từ loại bột mỳ đó.

Trong một cuộc gặp tình cờ với Kunidaro Arimoto, người từng làm việc cho Bộ Y tế, Ando đã thẳng thắn chỉ trích chính sách này: "Với bánh mỳ, bạn cần có nhân hoặc món ăn kèm. Nhưng người Nhật lại chỉ ăn nó với trà. Nó không tốt về mặt cân bằng dinh dưỡng. Người phương Đông có truyền thống ăn mỳ lâu đời. Tại sao chúng ta không quảng cáo mỳ, thứ mà người Nhật thực sự yêu thích, như một loại thực phẩm làm từ bột mỳ." Và Kunidaro trả lời: "Tại sao anh lại không tự mình giải quyết vấn đề này?" Và Ando đã thực hiện điều đó.

Mười năm sau, vào năm 1957, Ando đã mua một chiếc máy làm mỳ đã qua sử dụng, cùng 18kg bột mỳ, dầu ăn và các nguyên liệu khác, và thực hiện sứ mệnh tìm cách để có thể dễ dàng làm mỳ tại nhà.

momofuku-ando-gettyimages-107067129.jpg

Momofuku Ando, chủ sở hữu và là người sáng lập công ty Nissin nổi tiếng tại Nhật Bản năm 1958. (Nguồn: Biography)

Mỗi khi thấy dòng người xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mỳ nóng, Ando cứ băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay thì tiện biết bao.

Khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay. Một lần để ý thấy người vợ dùng dầu xào nấu thức ăn, ông nảy ra ý nghĩ mình cũng dùng dầu chiên cho sợi mỳ nở ra thì nó sẽ nhanh chóng hút nước. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại soup nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô.

Ando đã phát triển toàn bộ quy trình sản xuất, từ làm mỳ, hấp, nếm gia vị, sau đó khử phần nước trong sợi mỳ bằng dầu nóng, một quy trình ngày nay được gọi là chiên nhanh, để cho ra đời một thứ mà ngày nay chúng ta biết đến như một món mỳ ăn liền đầu tiên.

Sáng chế mới này có thời hạn sử dụng lâu hơn mỳ đông lạnh và có giá 35 yen, đắt hơn nhiều so với mỳ tươi. Nhưng quy trình chế biến đơn giản, chỉ việc đổ nước sôi vào và đợi hai phút.

Vào ngày 25-8-1958, sau 1 năm ở ẩn trong một căn lều gỗ ở sân sau ngôi nhà, Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin Ramen (Chikin nói lái theo "chicken").

Đó chính là các sợi mì ăn liền khô cứng được ép thành khối vuông vức hình chữ nhật. Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào và đậy kín, để một lúc là ăn được ngay.

Loại mỳ này rất phù hợp trong thời gian đó, khi nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa, người dân đều muốn lựa chọn một thực phẩm ăn liền nhanh, gọn và ngon miệng.

Laboratory_of_Momofuku_(3).jpg

Tái hiện bàn làm việc của Momofuku Ando tại bảo tàng. (Nguồn: Wikipedia)

Để sản xuất với quy mô lớn, tháng 12 năm ấy, Ando mở rộng công ty Thực phẩm Nissin Food Products Co. Một năm sau, hãng Mitsubishi, một tập đoàn công nghiệp khổng lồ ở Nhật nhảy vào hỗ trợ quảng bá món ăn nhanh này, giúp cho mỳ Ramen nhanh chóng trở nên phổ biến.

Để giữ uy tín sản phẩm của mình, Ando làm đơn xin đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế. Năm 1962, công ty ông được chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền. Sau đó Ando gửi công văn cảnh cáo các công ty làm nhái sản phẩm của ông.

Nhưng đến năm 1964, Ando lại có một cử chỉ hào hiệp là chấm dứt độc quyền sản xuất mỳ ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật Bản (Instant Food Industry Association) và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.

Vào năm sau đó, món mỳ ăn liền với nhãn hiệu Chikin Ramen bắt đầu được bán tại các cửa hàng Nhật Bản.

Sự sáng tạo của Ando có tác động như thế nào? 60 năm sau phát minh này, ước tính có khoảng 100 tỷ khẩu phần mỳ ăn liền được tiêu thụ mỗi năm trên thế giới.

Ando qua đời ở tuổi 96 do trụy tim ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 5-1-2007. Người ta cho rằng ông đã ăn Chicken Ramen hầu như mỗi ngày cho đến khi qua đời.

Câu nói để đời của Ando là: "Hòa bình sẽ đến với thế giới khi tất cả mọi người có đủ đồ ăn thức uống" . Chắc chắn đây sẽ là châm ngôn cho những nhà kinh doanh chân chính mãi về sau.

  • Từ khóa
183193

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu