Thứ 5, 27/06/2024 02:16:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 23:11, 08/06/2024 GMT+7

Bà Rá - “Từ leo tới chạy”

Lê Thảo
Thứ 7, 08/06/2024 | 23:11:34 1,930 lượt xem

Kỳ cuối:
NHỮNG ĐƯỜNG CHẠY TỪ TÌNH ĐẤT, TÌNH NGƯỜI


BPTV Podcast 
“Phước Long ngày mới” - Võ Đông Điền


Hồ Long Thủy và núi Bà Rá tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình - Ảnh: Phú Quý

Sau tết Nguyên đán năm 2024, tôi trở lại Phước Long trong một chuyến công tác về với "câu chuyện 30 năm xây dựng công trình Thủy điện Thác Mơ" mà tôi sẽ tham gia... Tôi lại ngang qua Tượng đài "Phước Long chiến thắng" nằm giữa lòng huyện lỵ cũ năm nào... 

Từ tượng đài nhớ lại "cái tình" của một nhà điêu khắc...

Công trình tượng đài "Phước Long chiến thắng" được xây dựng từ năm 1983 đến năm 1985 đi vào sử dụng nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 - 6-1-1985)

Nhiều người từng biết đến tượng đài này, nhưng có lẽ ít ai biết tượng đài Phước Long chiến thắng do Nhà điêu khắc Đinh Rú thiết kế và được xây dựng từ năm 1983 đến năm 1985, đưa vào sử dụng vào ngày 6-1-1985. 

Đến năm 2025 tới đây, khi kỷ niệm 50 năm ngày Phước Long chiến thắng (6-1-1975 - 6-1-2025) thì tượng đài Phước Long chiến thắng cũng tròn 40 năm hình thành, ghi dấu một chiến công hào hùng của quân và dân ta trong mùa Xuân đại thắng năm 1975.

Điêu khắc gia Đinh Rú (tên thật là Trên) sinh ngày 10-10-1937, ông là người dân tộc Chăm, quê ở huyện Phước Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ông có thời gian trong quân đội và theo học lớp mỹ thuật. Sau này là giảng viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trong giới mỹ thuật, Đinh Rú có một cá tính sáng tạo riêng biệt, độc đáo và từng có nhiều giải thưởng. Đặc biệt, Đinh Rú được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Hũ gạo kháng chiến (thạch cao - 1968), Người đàn bà bất hạnh (gỗ - 1993)... Ông bệnh mất vào ngày 4-4-2017.


Đinh Rú đã "về với đại ngàn", nhưng tượng đài "Phước Long chiến thắng" do ông thiết kế đã là một món quà đầy ý nghĩa, như "cái tình, cái nghĩa" mà ông dành tặng cho vùng đất Phước Long.

Nhà điêu khắc Đinh Rú (1937-2017) - nguồn internet

Vinh danh ông trong dịp kỷ niệm này cũng sẽ là việc làm đáng quý, từ "cái nghĩa, cái tình" của Đảng bộ, chính quyền và người dân Phước Long dành lại cho ông. Bởi, hình ảnh Tượng đài "Phước Long chiến thắng" trong gần 40 năm qua đã đi vào thơ ca (Ca khúc "Mỗi   bước ta đi" - Thuận Yến): "Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc. Anh đi về đâu từ Quy Nhơn đến Biên Hòa vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng"...

Giai điệu ca khúc "Mỗi bước ta đi" và hình ảnh tượng đài "Phước Long chiến thắng" cũng đã được chọn là nhạc hiệu và hình hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé xưa và Bình Phước hôm nay. Đó còn là hình ảnh thân quen, tự hào không chỉ của người dân Phước Long, Bình Phước mà còn bao con người trong và ngoài nước qua 29 mùa mở hội đầu xuân...

Từ tượng đài mở ra những đường chạy...

Các vận động viên xuất phát tại khu vực Tượng đài Phước Long chiến thắng

Hằng năm, khu vực tượng đài này là nơi tổ chức các hoạt động truyền thống để kỷ niệm ngày Phước Long chiến thắng (6-1). Đó là "cái nghĩa, cái tình" mà những người con của vùng đất Phước Long hôm nay tưởng nhớ, tri ân đến thế hệ cha ông xưa. 

Lễ khai mạc Giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi chinh phục đỉnh cao Bà Rá - năm 2023 - Ảnh tư liệu

Tình đất và người Phước Long đó luôn được thế hệ hôm nay gìn giữ để dựng xây và hình thành một truyền thống đoàn kết, trọng tình, trọng nghĩa, hiền hòa, mến khách... Và đó cũng là lý do mà từ đây đã mở ra những con đường chạy...

Quả là vậy. Tôi đã có dịp nói đến cái tình bao dung, mến khách của người dân Phước Long trong kỳ 3 (Chạy lên đỉnh cao) vào mùa giải Việt dã leo núi năm 1994... khi giải được mở rộng đến các huyện, thị trong tỉnh Sông Bé. 14 huyện, thị lúc bấy giờ đều đưa vận động viên về tham dự với số lượng khá đông. Đông đến nỗi huyện Phước Long lúc đó không đủ nơi lưu trú dành cho các đoàn, Ban tổ chức phải tận dụng các cơ quan, xí nghiệp, trường học và kể cả nhà dân để lưu trú trong những ngày các đoàn đến tập luyện và dự giải.

... Câu chuyện của đoàn vận động viên huyện Thuận An năm đó đến muộn, được một gia đình người dân Phước Long dành hẳn một căn gác trong ngôi nhà mình cho đoàn ở và nấu ăn phục vụ không tính phí trong những ngày đoàn lưu trú và câu nói của bà mẹ trong gia đình đã sắp xếp cho đoàn Thuận An lưu trú lúc đó: "Mấy đứa tổ chức giải, cho người người khắp nơi về Phước Long mình là má vui rồi! Tiền nong gì!..." đã minh chứng cho điều đó...

Nhiều năm sau này, các thế hệ lãnh đạo và người dân Phước Long luôn giữ được cái tình quý mến, tốt đẹp đó mỗi khi tổ chức giải. Đó là sự sắp xếp chu toàn mọi việc từ nơi ăn nghỉ của đại biểu khách mời, lãnh đội và các vận động viên; đó là sự ưu ái tận tình hỗ trợ cùng những buổi gặp gỡ và giao lưu với anh em báo chí về tác nghiệp; đó còn là câu nói "Đến hẹn lại lên" như là sự chờ đợi, hẹn hò của mỗi người dân nơi đây gửi bạn bè phương xa về một mùa hội mới - Ngày hội mừng Phước Long chiến thắng.

Đã 31 năm qua và 29 lần tổ chức 

Kể từ giải chạy leo núi đầu tiên năm 1993, núi rừng Phước Long đã là "đường chạy của những nhà vô địch", khi mà nhiều vận động viên tên tuổi trong làng điền kinh Việt Nam đã từng chinh phục đỉnh núi Bà Rá này và không ít lần khoác lên người danh hiệu "nữ hoàng", "vua" leo núi như: Nữ hoàng” điền kinh Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa); Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang); Đỗ Quốc Luật (Quân đội)...

Ban tổ chức giải trao danh hiệu “Vua leo núi” và “Nữ hoàng leo núi” cho các vận động viên - Ảnh tư liệu

Với Bình Phước nói chung và Phước Long nói riêng, còn tự hào hơn khi chính từ những "nhà vua", "nữ hoàng" tại giải chạy việt dã leo núi Bà Rá này đã sản sinh ra nhiều vận động viên điền kinh tiêu biểu cho tỉnh nhà và đất nước như Trần Văn Lợi, Hoàng Thị Ngọc Hoa hay Hoàng Nguyên Thanh - người đang giữ kỷ lục 8 lần là "Vua leo núi" tại giải chạy việt dã leo núi Bà Rá.

Nhà vô địch Hoàng Nguyên Thanh (Bình Phước) lần thứ 8 ngự trị "Vua leo núi" Bà Rá - năm 2024 - Ảnh tư liệu

***

Những năm sau này, khi phong trào đua xe đạp của tỉnh Bình Dương được phát triển, 2 Đài Bình Dương - Bình Phước đã phối hợp cùng Phước Long chọn ngày 5-1 hàng năm, trước giải chạy việt dã leo núi Bà Rá một ngày, để có thêm những chặng đua với tên gọi: "Về Phước Long xây chiến thắng" mang nhiều ý nghĩa, không chỉ để ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quân và dân Phước Long năm xưa mà đó còn là nghĩa tình Sông Bé năm nào mà Bình Dương - Bình Phước trao nhau...

Các vận động viên xe đạp về đích trong chặng đua “Về Phước Long xây chiến thắng” - Ảnh: Lê Thảo

Các em học sinh Phước Long đón chào đoàn đua xe đạp “Về Phước Long xây chiến thắng” - Ảnh: Lê Thảo

Nhiều vận động viên xe đạp từng tham gia giải cho biết, mỗi khi được tham gia đường chạy "Về Phước Long xây chiến thắng" họ luôn thích thú, không chỉ bởi sự thách thức về cự ly đường đồi núi nhiều đèo dốc mà còn bởi quang cảnh xinh đẹp, hữu tình và lòng mến khách của chính quyền và người dân Phước Long. 

Ông Võ Hùng Phong, Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao tỉnh Bình Dương, nguyên Phó Giám đốc Đài Bình Dương, là người nhiều năm gắn bó với các giải đua xe đạp trên cả nước chia sẻ: "Điều kiện để tổ chức giải những năm gần đây có khó khăn, nhưng Bình Dương luôn muốn duy trì chặng đua "Về Phước Long xây chiến thắng" hằng năm, bởi ngoài những ý nghĩa về ngày kỷ niệm 6-1, thì còn tình cảm giữa Bình Dương - Bình Phước nói chung và góp phần khơi dậy phong trào đua xe đạp của Phước Long nói riêng...".

...Và đến đường chạy Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ I, năm 2023

Các vận động viên xuất phát tại Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần I, năm 2023 tại Phước Long - Ảnh tư liệu

Năm 2023, khi Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước khởi xướng giải chạy marathon lần đầu tiên và Phước Long lại là vùng đất được chọn.

Nhiều cung đường với cảnh quan đẹp mắt mà các vận động viên được trải nghiệm và thưởng ngoạn tại Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần I. năm 2023 tại Phước Long - Ảnh tư liệu

Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Đoàn Thiên Ân chụp ảnh lưu niệm trên đập tràn Thủy điện Thác Mơ và ngọn núi Bà Rá - Phước Long - Ảnh tư liệu

Song, nhiều khó khăn trước đó, nhất là về nơi ăn, nghỉ và sinh hoạt tại Phước Long cho các vận động viên và quan khách dự kiến lên đến vài ngàn người về lưu trú trong thời gian diễn ra giải, cho đến việc khảo sát định tuyến cho các cung đường chạy sao cho an toàn và đảm bảo đủ cự ly thi đấu, từ 5km, 10km, 25km và 42km được Ban tổ chức đặt ra và được lãnh đạo thị xã Phước Long cùng các ngành, các công ty, nhà máy đóng trên địa bàn tích cực phối hợp hỗ trợ, giúp sức...

Tôi lại được chứng kiến thêm lần nữa cái tình, cái nghĩa của người dân Phước Long tại giải đấu này. Lãnh đạo thị xã Phước Long đã phải huy động tối đa sức chứa các khách sạn, nhà nghỉ với những điều kiện tốt nhất dành cho khách phương xa. Nhiều địa điểm công sở cũng đã có kế hoạch làm nơi lưu trú khi cần thiết. Nhiều gia đình cũng đã là nơi đón tiếp bạn bè, người thân về dự giải và cả anh em báo chí trong và ngoài tỉnh. Đó cũng là dịp để mọi người trải nghiệm, hòa vào tấm lòng hiếu khách, nghĩa tình của người dân Phước Long. 

***

Vâng! Không ngẫu nhiên mà Phước Long lại là nơi có nhiều những đường chạy thể thao quy mô như thế. Vì nó xuất phát từ những giá trị về truyền thống lịch sử, vì những cảnh quan xinh đẹp của thiên nhiên mà các cấp lãnh đạo và người dân Phước Long đã biết gìn giữ tôn tạo từ bao năm qua... Không ngẫu nhiên mà Phước Long lại là nơi được các quan chức và vận động viên thể thao biết đến. Mà đó chính từ phong trào rèn luyện sức khỏe và yêu thích thể thao của người dân nơi đây...

Phong trào chạy bộ ở Phước Long không chỉ đã là những sự kiện thể thao mà còn là biểu hiện của tình yêu đối với quê hương, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nó thể hiện tình cảm sâu đậm mà người Phước Long dành cho mảnh đất này - một tình yêu thể hiện qua từng bước chạy, qua mỗi hơi thở, qua sự đồng lòng và quyết tâm.

Và có một điều, cũng không ngẫu nhiên chính là sự bao dung, nghĩa tình vốn có của những lớp người từ khắp nơi về vùng đất này, xây dựng quê hương Phước Long; để rồi các thế hệ tiếp nối, biết gìn giữ, vun đắp và điểm tô thêm cho vùng đất núi rừng xưa kia, nay trở thành một phố thị rạng ngời, xinh tươi.

Núi Bà Rá và những phố phường của thị xã Phước Long hôm nay - Ảnh: Phú Quý

Phước Long - mảnh đất anh hùng, nơi người dân luôn tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống. Phong trào chạy bộ đã không chỉ là một hoạt động thể chất mà còn là biểu tượng của sức sống, ý chí và khát vọng vươn lên như chính hình ảnh của ngọn núi Bà Rá mãi vươn cao trên bầu trời xanh...

Cái "nhân" đã gieo duyên lành, để cho hôm nay Phước Long có nhiều "quả" ngọt và để rồi đượm lại trong mỗi người dân nơi đây lòng "hiếu khách, nghĩa tình" như chính cái "tình đất, tình người" mà Phước Long đã và đang trải qua từng cung đường chạy! Với tôi, mỗi lần có dịp về lại Phước Long, về lại núi Bà Rá, tôi như lại muốn "leo" muốn "chạy" trên những cung đường xưa đầy hoài niệm của mình...

Đích đến của mỗi đường chạy sẽ là kết thúc cuộc đua, nhưng "đích đến" ở Phước Long sẽ là khởi đầu cho những kỳ vọng về sự phát triển mới ngày càng sung túc, giàu đẹp hơn trong tương lai.

Hết
Tháng 5-2024

  • Từ khóa
198316

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu