Thứ 5, 09/05/2024 17:51:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 08/10/2011 GMT+7

Khi nông dân thiếu đất

Thứ 7, 08/10/2011 | 00:00:00 225 lượt xem

L.T.S: Thiếu đất sản xuất, đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, ở huyện Bù Gia Mập đã có không ít hộ nông dân tự vươn lên bằng sức lao động của mình. Mặc dù cuộc sống vẫn còn bộn bề những khó khăn, vất vả nhưng niềm tin vào cuộc sống và nghị lực là khát vọng giúp cho họ vươn lên không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của chính quyền địa phương, điều này thật đáng quý. Bài viết sau đây ghi lại những khát vọng vươn lên của những hộ dân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên Bình Phước lập nghiệp. Trên quê mới, không có đất canh tác, người làm thuê, hộ nuôi cá… nhưng họ vẫn khát khao đổi đời trong tương lai.

THUÊ ĐẤT TRẢ BẰNG VÀNG

Đón chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, trống trước hở sau, nằm lọt thỏm giữa vườn điều cằn cỗi, ông Đỗ Hùng Vĩ, một cư dân trong xóm làm thuê ở thôn Đắk Son, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), than thở: “Cuộc sống của chúng tôi ở đây khác hoàn toàn với những hộ làm thuê ở các vùng khác. Vì họ được thuê lâu dài năm này qua năm khác với công việc ổn định. Còn chúng tôi cũng là đi làm thuê nhưng công việc không ổn định, nay làm mai nghỉ vì không có việc nên cuộc sống vất vả vô cùng”.

Phương tiện đi lại thường ngày của cư dân “xóm ba không”

Ông Vĩ, bà Mai, bà Hóa, ông Vũ... là những công dân làm thuê của xóm cùng chung nỗi niềm, vì cái nghèo khổ mà lên đây làm thuê mong có cái ăn, cái mặc, ai dè vận nghèo cứ đeo đẳng mãi. Ông Vĩ kể, gia đình ông và những hộ dân trong xóm vốn ở miệt Cái Bè của tỉnh Tiền Giang. Vào năm 1999, khi Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang nhận đất tại Bình Phước và đưa chúng tôi lên đây lập nghiệp theo chính sách dãn dân, ai cũng mừng và tình nguyện xung phong đi để mong có sự đổi thay trên quê mới. Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang nhận đất trồng cao su và điều tại thôn Đắk Son, xã Phú Nghĩa và thành lập Nông trường 26/6. Khi chúng tôi đến, vườn cây héo rũ vì thiếu người chăm sóc. Do vậy, chúng tôi và lãnh đạo nông trường cùng ký hợp đồng nhận khoán chăm sóc vườn cây, với thời hạn là 20 năm. Hình thức của hợp đồng là chúng tôi nhận chăm sóc, thu hoạch và phải trả tiền thuê hằng tháng cho lãnh đạo nông trường bằng vàng chứ không phải bằng sản phẩm nông nghiệp hay bằng tiền. “Với hy vọng đổi đời từ bàn tay lao động của mình, các hộ dân đã không quản nắng mưa, sự khốn khó của ngày đầu trên quê hương mới để cải tạo vườn, chăm bón cho cây trồng. Ai ngờ, do cây giống ban đầu không đảm bảo chất lượng nên hiệu quả không đáng là bao” - bà Mai than thở. Ông Vĩ cho rằng: “Bao nhiêu mồ hôi, sức lực đã đổ ra hết cho vườn cây, cuối vụ thu về không đủ chi phí cho vài ngày công. Vì vậy, số vàng nợ nông trường cứ chất đầy chất đống”. Đã nhiều lần người dân kiến nghị lãnh đạo nông trường đánh giá lại chất lượng vườn cây trong thời buổi giá vàng leo thang như hiện nay để định giá mức cho thuê và người làm công có cái để sống, nhưng không được sự đồng tình của lãnh đạo nông trường. “Trước thực trạng đó, có hộ dân định kiến nghị lên Văn phòng Tỉnh ủy, nhưng bị lãnh đạo nông trường đe dọa thu hồi, không nộp đủ số vàng cũng thu hồi. Khi thu hồi đất rồi chúng tôi biết đi về đâu khi ở quê cũ không còn đất” - ông Vĩ thẫn thờ nhìn bản hợp đồng ràng buộc thuê đất dài đến 20 năm và nói. Bà Mai kể: “Mỗi ha đất nông trường cho thuê 3 chỉ vàng SJC. Hộ nào nhận được đất trồng cao su thì nay đỡ hơn, những hộ nhận vườn điều thì cầm chắc phần lỗ đến 70%. Trong khi đó, năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa, thành thử đời sống của các hộ dân chúng tôi quá khổ mà phải vắt sức ra để làm. Tiếng là lên đây nhận khoán với nông trường, nhưng với hợp đồng thuê đất trả vàng như thế này thì chúng tôi có khác gì dân thuê đất để cuốc mướn. Thà rằng, cứ làm thuê theo ngày công thì chúng tôi đỡ vất vả hơn”. Câu tâm tình của bà Mai cũng là lời tâm sự của mười mấy hộ dân nhận khoán ở Nông trường 26/6, hiện vẫn đang bỏ ngỏ, chưa có lời giải. Mặc cho mưa bão, gió đổ cây hay sâu bệnh tàn phá, cứ cuối tháng họ phải mang vàng lên nộp cho lãnh đạo nông trường. Và lãnh đạo Nông trường 26/6 cũng chỉ biết vậy mà thôi.

Một vị lãnh đạo UBND huyện Bù Gia Mập cho biết: “Các hộ dân của Nông trường 26/6 không phải di dân theo diện kinh tế mới, mà họ đi theo diện tuyển dụng lao động nhận khoán của Nông trường 26/6 và Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi như nhập hộ khẩu, kéo đường dây điện... còn chuyện hợp đồng thuê đất trả vàng là của nông trường với các hộ dân. Qua phản ánh, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo nông trường về vấn đề này nhưng có lẽ hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”.

TUY “BA KHÔNG” NHƯNG HỌ BIẾT TỰ CỨU MÌNH

Men theo con đường gập ghềnh quanh lòng hồ thủy điện Thác Mơ mênh mông nước, xa xa những căn lều nổi bồng bềnh là nhà ở của hơn hai chục hộ dân là người Việt từ Campuchia về và từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên dựng chòi, đóng bè hành nghề nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ, thuộc thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập).

Căn nhà của ông Vĩ - một cư dân của Nông trường 26/6

Ông Nguyễn Văn Thành năm nay đã 65 tuổi, cùng vợ là bà Trần Thị Quác từ An Giang sau nhiều năm đánh bắt thủy sản khắp nơi và cuối cùng dừng lại ở lòng hồ Thác Mơ dựng nhà lồng để nuôi cá. Trong một khoảng rộng chừng 30m2 của hai bè cá ghép lại làm nơi sinh hoạt và trú ngụ cho cả ba thế hệ trong gia đình. 5 người con của ông bà đều học chưa hết cấp 2 đã phải nghỉ ở nhà đi làm thuê và lấy vợ, sinh con. Ông Thành kể: Ban đầu, vợ chồng tôi chỉ làm nghề đánh cá trên hồ, còn con cái, sáng chèo xuồng vô xóm làm thuê, tối về quây quần trên mặt thuyền. Sau thấy tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn nên tôi đã dốc vốn chuyển sang làm nhà lồng nuôi cá. Cái lợi của việc làm nhà lồng nuôi cá là có thể vừa ở vừa làm kinh tế, vì gia đình không có tiền mua đất để làm nhà. Với số vốn ít ỏi ban đầu, ông đã dựng cái nhà lồng để nuôi cá lăng nha và cá lóc. Mỗi năm 4 vụ thu hoạch cũng được 50 triệu đồng, chưa trừ các khoản chi phí. Để đỡ phần chi phí nuôi cá bè, hằng ngày gia đình ông phải chèo xuồng đi đánh cá nhỏ ở triền sông, bờ suối rồi về xay ra làm thức ăn cho cá. Bà Quác nói: “Cuộc sống tuy vất vả nhưng vẫn hơn phải di cư nay đây, mai đó. Cứ thế này là tạm ổn, mong nuôi cá để có chút vốn lên bờ mua đất, dựng nhà cho con trẻ được học cái chữ là chúng tôi hạnh phúc”.

Trong câu chuyện, chúng tôi biết vợ chồng ông Thành là người đi tiên phong trong việc định cư tại các lòng hồ thủy điện. Ông Thành trầm ngâm kể, ngày trước cũng vì nghèo khó, không đất sản xuất nên chúng tôi sống trên thuyền, đánh bắt cá trên sông. Tối đến, năm bảy chiếc thuyền tụm lại thành một xóm để nghỉ ngơi, trò chuyện và trao đổi vật dụng cần thiết. Khi tôi lên lòng hồ thủy điện Trị An, Cần Đơn đánh bắt cá thì cũng có chút đỉnh vì ở đó chưa có ai khai thác. Vì vậy, tôi bắn tiếng để anh em ở dưới lên cùng mưu sinh. Thế rồi, luồng cá, con tôm trong tự nhiên ngày một cạn, chúng tôi phải lần mò đi tìm nơi khác. Và tại lòng hồ Thác Mơ này, tôi cũng là người đến đầu tiên. Không lẽ đời mình phải phiêu bạt mãi nên tôi bàn với vợ con dựng nhà lồng nuôi cá cho cái chân bớt mỏi, cho con cháu được yên một chỗ. Năm đầu tiên thấy nuôi cá có lời lại nhàn công, ông Thành tìm bạn chài của mình lên Thác Mơ lập nghiệp bằng nghề mới.

Bước chân vào nhà lồng của ông Thành, anh Hải, nhìn vật dụng sinh hoạt đơn sơ trong cuộc mưu sinh đầy vất vả của họ, chúng tôi mới biết vì sao người trên bờ gọi đó là “xóm ba không”. Không điện, không đất, không nhà, chỉ có căn chòi gắn chặt trên chiếc bè nuôi cá lắc lư theo nhịp sóng như số phận của họ gắn chặt với sông nước vậy. Anh Hải nói thêm, cuộc sống của những hộ dân làng bè như một vòng luẩn quẩn. Tối buông câu, sáng gỡ lưới, trưa kiếm củi, chiều săn mồi là công việc của người đàn ông trụ cột trong xóm nhà lồng. Còn phụ nữ thì chăm sóc đàn cá, quán xuyến việc gia đình. Trẻ con thì quanh quẩn với chiếc xuồng, sông nước làm trò vui. Điện chiếu sáng, ti vi là những thứ xa xỉ đối với các hộ dân nơi đây. Do vậy, việc định liệu về thời tiết người dân chỉ nhờ vào kinh nghiệm là chính.

THAY LỜI KẾT

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi cảm nhận rằng dù khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng những hộ dân vẫn lạc quan, yêu đời bằng những giấc mơ về một nơi an cư để lạc nghiệp và mong ngày mai tươi đẹp hơn. Có thể họ không nói ra, nhưng trong suy nghĩ của các hộ dân ở xóm làm thuê có rất nhiều giấc mơ đẹp. Giấc mơ có một mảnh vườn, mơ về những mùa màng bội thu, về giá cho thuê đất hợp lý... Những giấc mơ đó là rất thật nhưng cũng rất khó thành hiện thực. Vì vậy, họ đang rất cần sự quan tâm của lãnh đạo nông trường điều chỉnh về giá cả thuê đất. Còn với những hộ như ông Thành, bà Quác mơ về một mảnh đất nho nhỏ để dựng nhà, mơ về ánh sáng của dòng điện để xem được ti vi, cháu con đến lớp học. Những trẻ trong xóm nhà lồng da cháy nắng, tóc vàng hoe, ngoài việc giúp gia đình buông câu thả lưới cũng đang mơ về được xem trọn vẹn một chương trình dành cho thiếu nhi trên truyền hình. Những giấc mơ đó còn xa, song họ biết rằng, trước hết phải tự cứu, tự lo cho mình...

Tấn Phong

  • Từ khóa
39198

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu