Thứ 5, 09/05/2024 09:47:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 03/08/2011 GMT+7

Măng điền trúc rớt giá - nông dân xã Thành Tâm lại chuyển đổi cây trồng

Thứ 4, 03/08/2011 | 00:00:00 3,209 lượt xem

Tre điền trúc là loại cây đa tác dụng, ngoài làm ra các sản phẩm gia dụng, được chế biến từ thân tre như tăm, đũa, ván ép, bột giấy... măng là sản phẩm rau sạch có hàm lượng lipit, protid, axit amin cao, chất xơ hợp lý, ngay cả lá của chúng cũng được sử dụng để gói bánh... Phong trào trồng tre lấy măng rộ lên ở xã Thành Tâm từ những năm 2004, 2005 nhưng vì đầu ra không ổn định và chủ yếu do tư thương quyết định nên nông dân vùng chuyên canh tre điền trúc nơi đây đang dở khóc dở cười với loại cây này.

GIÁ BÁN KHÔNG BÙ NỔI GIÁ THÀNH

Giữa tháng 7, những vườn tre bắt đầu đổ lá, chuẩn bị kết thúc mùa măng buồn của vùng chuyên canh măng điền trúc có tiếng ở ấp 2, xã Thành Tâm (Chơn Thành). Giá bán không bù được giá thành và nông dân trồng măng điền trúc lại phải tính toán phá đi để trồng cao su hay loại cây khác đang có giá trị kinh tế hiện nay. Cuối mùa, giá thương lái mua vào chỉ 2.000 đồng/kg măng loại nhỏ và 3.000 đồng/kg loại lớn nên hàng chục hộ nông dân của vùng chuyên canh tre điền trúc phải chịu lỗ.

Giá măng cuối mùa 2.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/5 giá rau tươi

Chị Cao Thị Ba ở tổ 8, ấp 2 nói: “Chúng tôi trồng măng tre điền trúc gần chục năm nhưng không có năm nào rớt giá như năm nay. Vào đầu mùa, thương lái mua với giá 15.000-19.000 đồng/kg, nhưng sau một tháng giá chỉ là 5.000-6.000 đồng/kg và hiện nay còn 2.000 đồng/kg”. Cũng như bao hộ trồng tre lấy măng khác, ông Cao Văn Tiên gắn bó với măng điền trúc 7 năm. Với 10 ha, ông Tiên là một trong những hộ dẫn đầu của vùng chuyên canh điền trúc xã Thành Tâm. Măng điền trúc cần nhiều nước nên ông Tiên đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động bơm đến từng gốc, bón phân đầy đủ để cây mẹ đủ sức sinh sản... Chính vì thế mà đã gần cuối mùa nhưng sản lượng vườn măng của ông vẫn còn khá cao. Ông Tiên buồn rầu nói: “Nếu trồng các loại cây công nghiệp dài ngày của miền Đông Nam bộ như hồ tiêu, cao su, điều thì nay tôi đã giàu to”. Năm 1995, ông Tiên từ Tiền Giang lên Bình Phước lập nghiệp, vì “chung thủy” với cây ăn trái của sông nước miền Tây nên ông trồng nhãn. Giá nhãn cao không được bao lâu thì liên tiếp rớt, không trụ nổi, ông Tiên chuyển đổi sang trồng măng điền trúc. Thiếu vốn đầu tư ban đầu, ông Tiên phải bán bớt đất. Từ 17 ha ngày lập nghiệp nay chỉ còn 10 ha.

Lợi thế của trồng măng tre điền trúc là đầu tư ban đầu ít tốn công, cây kháng bệnh tốt, nhưng muốn có sản lượng cao phải có phân bón, tưới nước thường xuyên trong mùa khô. Ông Tiên nhẩm tính, chỉ riêng chi phí tiền điện để tưới nước cho 10 ha măng trong mùa khô, mỗi tháng mất 6-7 triệu đồng; phân bón, công lao động... ngót nghét hơn chục triệu đồng. Vụ măng năm nay, giá bình quân chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Được mùa, mỗi ha điền trúc thu khoảng 15 tấn nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 12-13 tấn/ha. Với giá này, 1 ha măng tre điền trúc nông dân thu được 60-70 triệu đồng. Nếu diện tích ít, nông dân còn lấy công làm lãi nhưng diện tích lớn phải thuê lao động như ông Tiên thì giá bán không bù nổi giá thành.

TƯ THƯƠNG LÀM GIÁ

Đến ấp 2, xã Thành Tâm chúng tôi không còn bắt gặp cảnh mua bán măng tấp nập như các năm trước. Gần 100 ha măng tre nơi đây chỉ có 3 thương lái từ Bình Dương lên mua và họ “đoàn kết” với nhau để ra giá hàng ngày. Nông dân trồng măng bán tại chỗ và không biết sản phẩm của mình trên thị trường có giá bao nhiêu, tiêu thụ ở đâu? Khi hỏi tại sao giá măng thấp thế? Thương lái liền viện cớ: Hiện nay giữa mùa mưa, măng lồ ô, măng le đầy rẫy, ai thèm tới măng này mà đòi giá cao.

“Giá phân bón, điện, nhân công tăng nhanh nhưng giá măng tre điền trúc lại thấp hơn những năm trước. 1kg măng điền trúc bán tại vườn không bằng 1kg rau muống, với giá này chúng tôi phải chịu lỗ... Nông dân vùng chuyên canh măng tre điền trúc không còn mặn mà với loại cây này nữa mà sẽ phải chuyển đổi trồng cây khác”. Ông Cao Văn Tiên ở ấp 2, xã Thành Tâm (Chơn Thành) chua xót nói.

Gần 10 năm nay, vùng chuyên canh măng tre điền trúc ở Chơn Thành đã được nhiều người biết đến với khoảng 100 ha tre điền trúc của nông dân vùng sông nước Cửu Long lên lập nghiệp. Bao đắng cay, ngọt bùi của nghề trồng tre lấy măng họ đều đã trải qua. Và bây giờ họ phải nói lời chia tay với cây tre điền trúc vì hiệu quả kinh tế của nó quá thấp so với một số cây trồng khác.

Ông Phạm Văn Sáu, một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng và khai thác măng tre điền trúc ở ấp 2 cho biết: “Trồng măng tre chủ yếu bón phân NPK và tưới nước để giữ độ ẩm gốc cây. Kỹ thuật trồng đơn giản nên ban đầu ở đây chỉ có 1-2 hộ trồng, đến nay đã có gần 50 hộ, người nhiều nhất 8-10 ha, ít nhất 1-2 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, thu nhập từ măng tre điền trúc không bằng giá mủ cao su nên nhiều hộ phá bỏ vườn măng chuyển qua trồng hoặc sản xuất giống cao su. Nay cả khu vực này chỉ còn khoảng hơn 50-60 ha măng tre điền trúc. Riêng tôi, chỉ có 2 ha tre, nhưng trong năm tới tôi cũng chuyển đổi cây trồng”.

Không riêng gì ông Sáu, ông Cao Văn Tiên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho vườn măng cũng đã chuẩn bị cây giống cao su để hết mùa sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích 10 ha tre điền trúc qua trồng cao su.

Phương Hà - Nhất Sơn

  • Từ khóa
39166

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu