Thứ 3, 21/05/2024 07:34:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 15:15, 12/01/2021 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Lực đẩy cho đảo ngọc Phú Quốc

Thứ 3, 12/01/2021 | 15:15:00 488 lượt xem
BPO - Vui mừng, kỳ vọng vào tương lai phát triển rực rỡ, bền vững hơn nữa... là cảm giác chung của người dân Phú Quốc khi tối 8-1-2021, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên hơn 593km2.

Du lịch là ngành kinh tế chủ lực

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết: Phú Quốc là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, được mệnh danh là vùng đất trù phú với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có. Phú Quốc đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực, thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn 2016-2019. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trên 19%/năm, cao gấp 2 lần của tỉnh; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 141.652 tỷ đồng, vượt 57% chỉ tiêu nghị quyết; thu ngân sách tăng bình quân 19%/năm, chiếm hơn 40% tổng thu của tỉnh.

Một góc khu biển bãi Trường - nơi có nhiều khách sạn, resort đẳng cấp ở Phú Quốc - ảnh nguồn: Tuoitre.vn

Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Chính phủ, lượng khách bình quân mỗi năm tăng 28%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 45%, nhiều thương hiệu du lịch lớn trên thế giới đều đã góp mặt tại Phú Quốc. Đến nay, Phú Quốc thu hút 372 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 16,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Bên cạnh huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thành phố Phú Quốc tập trung phát triển theo quy hoạch, phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục thu hút các nhà đầu tư có năng lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc. Phát triển du lịch Phú Quốc thành ngành kinh tế chủ lực.

Đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Thúc đẩy phát triển Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, thành phố Phú Quốc tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho thành phố. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với các trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.

Thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang; vịnh Thái Lan và Campuchia. Thành lập 2 phường thuộc thành phố Phú Quốc là Dương Đông và An Thới. Sau khi thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố, Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã.

Thành phố xác định đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ là khâu đột phá quan trọng trong phát triển đảo ngọc Phú Quốc. Thành phố huy động mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, cấp điện, nước, xử lý chất thải, nước thải, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại... bảo đảm phát triển đúng hướng, bền vững. Nhiều công trình trọng điểm được triển khai xây dựng đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, trục chính giao thông Nam - Bắc đảo, đường vòng quanh đảo... tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới qua đường hàng không và đường biển.

Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước được đầu tư như: Dự án điện cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả; nâng cấp hồ nước Dương Đông và hệ thống cấp nước Phú Quốc, với công suất 21.500m³/ngày đêm; xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung…

Việc Phú Quốc trở thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang là sự kiện lịch sử trọng đại, là thành quả của cả quá trình xây dựng, vun đắp bền bỉ, kiên cường qua nhiều thế hệ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quốc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng, tạo sức bật mạnh hơn nữa để Phú Quốc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế, tạo thế và lực trong đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Thanh Trà
(tổng hợp từ nguồn baotintuc.vn)

  • Từ khóa
118812

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu