Thứ 2, 06/05/2024 08:41:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 13:08, 23/02/2014 GMT+7

Vị trí, vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản việt nam

Chủ nhật, 23/02/2014 | 13:08:00 9,011 lượt xem

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam:

 Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 kế thừa Hiến pháp năm 1992, trong việc khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng. Điều 4 gồm những nội dung: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.

Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, với quy định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có mấy điểm lớn như sau:

Một là, Hiến pháp lần này thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng chúng ta, nói một cách công khai và đưa vào trong Hiến pháp rằng Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của cả dân tộc; đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đại biểu trung thành của nhân dân lao động, của cả dân tộc, để nói rằng Đảng là Đảng ta, của dân tộc ta.

Thứ hai, khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn mà cử tri và Đại biểu Quốc hội mong muốn là xác định rõ trách nhiệm của Đảng so với bản Hiến pháp trước đây. Tại Khoản 1, Điều 4 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trước đây, trong Điều 4 không nói rõ trách nhiệm của Đảng, thì lần này sau khi sửa đổi chúng ta đã đưa vào và nhấn mạnh Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, đó chính là sức mạnh và cũng là sức sống của Đảng.

Thứ ba, Đảng phải phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Bởi Đảng lãnh đạo Nhà nước, xã hội thì phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo đó, nhưng sự lãnh đạo cụ thể bằng những quyết định của mình. Nếu những quyết định đó không đúng, có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 4 đã quy định rõ như sau: 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Chương 7 trong Hiến pháp (từ Điều 94 đến Điều 101) là chương quy định về Chính phủ, trong đó có Điều 96 và Điều 98 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung chức năng thực hiện quyền hành pháp cho Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ được quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Theo Điều 96, Chính phủ có 8 nhiệm vụ, nhiệm vụ cụ thể thứ 5 được quy định như sau: 5. Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định.

Về thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, trong Hiến pháp năm 2013 đã phân định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Theo quy định tại Điều 98, Thủ tướng Chính phủ có 6 nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhiệm vụ thứ 3 được quy định như sau: 3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

K.N

  • Từ khóa
108274

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu