Thứ 2, 06/05/2024 08:01:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:15, 19/02/2014 GMT+7

Bản chất Nhà nước và thẩm quyền của Chủ tịch nước

Thứ 4, 19/02/2014 | 14:15:00 3,062 lượt xem

Bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước

Điểm nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là đã kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 trong việc thể hiện rõ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, Hiến pháp cũng  khẳng định rõ nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Cụ thể, tại Khoản 1 và 2 của Điều 2 trong Hiến pháp đã quy định: 1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ ngahĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Bên cạnh đó, Hiến pháp còn quy định rõ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và nhấn mạnh cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tại Khoản 3, Điều 2, như sau: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quy định về “kiểm soát quyền lực” là một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, là một vấn đề mới trong tổ chức quyền lực của Nhà nước ta. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các Chương V - Quốc hội, VI - Chủ tịch nước, VII - Chính phủ, VIII - Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân và Chương IX - Chính quyền địa phương của Hiến pháp. Đây là cơ sở hiến định để tiếp tục thể chế hóa trong các quy định của các luật có liên quan.

Thẩm quyền của Chủ tịch nước rộng hơn

Điều mà mọi người đều thấy rõ là những sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp 2013 rất căn bản, sâu sắc, khẳng định con đường nước ta đi theo là đúng, được nâng lên tầm cao hơn, tạo điều kiện cho bước phát triển mới của đất nước. Trước hết về chế độ chính trị, các nội dung cơ bản trong Hiến pháp 2013 vẫn được giữ nguyên như trong Hiến pháp năm 1992, nhưng đã có sự ngắn gọn và súc tích hơn. Cách thể hiện trong các điều hợp lý hơn, thể hiện được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Cụ thể là mô hình Nhà nước được giữ nguyên, nhưng những quy định hoạt động của bộ máy nhà nước được đổi mới hơn so với Hiến pháp năm 1992.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đã có nhiều nội dung mới, mang tính căn bản như quy định rõ những cơ quan nào thực hiện quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp; quy định về hội đồng bầu cử quốc gia; xác lập quyền hạn của Chủ tịch nước... rõ ràng hơn tại Chương VI quy định về “Chủ tịch nước” gồm 8 điều, từ Điều 86 đến Điều 93. Cụ thể là Hiến pháp mới quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng - an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc (thiếu tướng), phó đô đốc (trung tướng), đô đốc hải quân (thượng tướng). Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước đây, hàm thiếu tướng, trung tướng do Thủ tướng ban hành quyết định phong. Hàm thượng tướng, đại tướng do Chủ tịch nước phong. Như vậy, với Hiến pháp 2013, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm từ thiếu tướng (chuẩn đô đốc) trở lên hoàn toàn thuộc quyền của Chủ tịch nước. Việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế là nguyên thủ quốc gia cũng thống lĩnh các lực lượng vũ trang, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng - an ninh và được quyền phong hàm cấp tướng.

Cũng theo Hiến pháp 2013, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố, Chủ tịch nước còn có thẩm quyền bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Cũng căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp thì Chủ tịch nước được công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước còn có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước... Cùng với đó, Hiến pháp 2013 đã bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng - an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. 

N.V

  • Từ khóa
108273

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu