Thứ 5, 09/05/2024 18:07:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:31, 12/09/2013 GMT+7

Quyền bầu cử và ứng cử

Thứ 5, 12/09/2013 | 14:31:00 191 lượt xem

* Điều 28 (sửa đổi, bổ sung Điều 54) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Theo tôi, quy định như trên tuy ngắn gọn, nhưng lại không đầy đủ ý nghĩa, không cụ thể. Vì có người không vi phạm pháp luật, không bị tước quyền công dân, nhưng theo quy định của pháp luật thì không đủ năng lực dân sự nên họ không thể thực hiện hết tất cả những quyền công dân của mình được. Hơn nữa, so với Hiến pháp hiện hành, ở phần đầu của điều này, dự thảo đã bỏ đi nội dung: “Không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú” và ở phần cuối của điều này dự thảo cũng đã bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, vô tình trong dự thảo đã bỏ đi quyền của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước, cụ thể đối với những người không đủ năng lực dân sự. Hơn nữa, so với Hiến pháp hiện hành, dự thảo đã không bao quát hết đối tượng công dân trong xã hội và không làm nổi bật được tính ưu việt của chế độ chính trị ở nước ta là dân chủ, bình đẳng, nhân quyền... giữa nam và nữ, giữa các thành phần xã hội, giữa các tôn giáo, dân tộc... Hơn nữa, tại Khoản 1, Điều 25, Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện hành có quy định như sau: 1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Cũng quy định về vấn đề này, tại Khoản 1, Điều 23 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội có quy định như sau: 1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất trí thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Nói cách khác là những trường hợp này không có quyền bầu cử.

Bên cạnh đó, trong Điều 29, Luật Bầu cử Quốc hội, Điều 31, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân hiện hành quy định 5 trường hợp không được ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân như sau: 1. Người thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 23 của luật này; 2. Người đang bị khởi tố về hình sự; 3. Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; 4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án; 5. Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính. Vì vậy, nếu Hiến pháp quy định như dự thảo thì tới đây chúng ta lại phải sửa Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Hội đồng nhân dân.

Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất hai ý kiến như sau: Thứ nhất bổ sung nội dung sau vào phần cuối của Điều 28: “Trừ những người đang bị giam giữ, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về bầu cử. Thứ hai giữ nguyên nội dung của Điều 54 trong Hiến pháp hiện hành, là: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

* Tại Điều 29 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 53) có quy định như sau: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Theo quy định trên thì công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, đồng thời Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, theo tôi quy định như trên là không ổn, không phù hợp. Vì việc tạo điều kiện hoàn toàn khác với việc bảo đảm. Tức là việc tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Nhưng việc tạo điều kiện đến đâu thì lại không rõ ràng, thiếu cụ thể.

Vì vậy, tôi đề nghị thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng cụm từ “bảo đảm các điều kiện” vào sau cụm từ “Nhà nước” tại Khoản 2 điều này. Vì việc tham gia quản lý Nhà nước chúng ta đã quy định là quyền của công dân, đồng thời cũng tại Khoản 1 của điều này đã quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để nhân dân thực hiện quyền chứ không chỉ là tạo điều kiện. Do đó, Khoản 2 của điều này được viết lại như sau: 2. Nhà nước bảo đảm các điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

N.Nam (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108254

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu