Thứ 5, 09/05/2024 14:37:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 16:25, 10/09/2013 GMT+7

Không có tội thì không phải chịu hình phạt

Thứ 3, 10/09/2013 | 16:25:00 104 lượt xem

Điều 32 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 72) gồm có 4 khoản, với nội dung như sau: 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội có quyền được tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như tại Khoản 1 “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” là chưa hợp lý, chưa phù hợp và dễ tạo ra kẽ hở để người thực thi quyền lực Nhà nước lạm dụng. Vì trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp người có dấu hiệu phạm tội bị bức cung hoặc bị chính các nghi can trong trại tạm giam “thi hành hình phạt” theo kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”, mặc dù người đó chưa phải là tội phạm. Vì khi đó họ chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, để tránh những trường hợp trên, tôi đề nghị ở Khoản 1 cần được giữ nguyên như phần đầu của Điều 72 trong Hiến pháp hiện hành là: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Đối với Khoản 3 của Điều 32 trong dự thảo có nội dung như sau: 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. Theo tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết được quyền con người, quyền công dân (khi chưa có bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật thì là bị can hay bị cáo vẫn còn có quyền công dân), cụ thể là quyền được có người bào chữa cho mình, chứ không phải chỉ là sự trợ giúp. Vì đã là trợ giúp thì có cũng được và không có cũng chẳng sao, vì sự trợ giúp này là miễn phí. Hơn nữa, nếu quy định như trên, thì chỉ có những người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử mới có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý. Còn những người bị thi hành án thì sao? Nhất là đối với trường hợp cơ quan thi hành án không thực thi nghiêm theo pháp luật?

Vì vậy, ở khoản 3, Điều 32, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có quyền đề nghị luật sư bào chữa hoặc trợ giúp pháp lý cho mình. Như vậy, Điều 32 sẽ được viết lại như sau: 1. Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có quyền đề nghị luật sư bào chữa hoặc trợ giúp pháp lý cho mình. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Tại Khoản 3, Điều 58 trong Dự thảo sửa đổi Hiến năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 18) có quy định như sau: 3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo tôi thì quy định như trên là chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Vì quy định này chưa bao quát hết nhưng trường hợp tuy họ đang không sử dụng nhưng lại có quyền thừa kế. Hoặc những trường hợp có quyền sử dụng nhưng người có quyền nay đã cho thuê, tức là họ đang có quyền sử dụng hợp pháp, nhưng trên thực tế họ đang không trực tiếp sử dụng.

Vì vậy, tôi đề nghị thêm vào Khoản 3 cụm từ như sau: “đang sử dụng hợp pháp” để thay cho cụm từ “sử dụng”. Bên cạnh đó, cũng tại Khoản 3 này, tôi đề nghị bỏ cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Vì suy cho cùng thì “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” cũng là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và nội dung này đã được nêu ở phần trước rồi. Còn đối với các dự án phát triển kinh tế không phải do Nhà nước làm chủ đầu tư thì Nhà nước không nên thu hồi, mà để cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân. Nhà nước chỉ đứng ra can thiệp với tư cách là trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá hai bên: Người dân và doanh nghiệp.

Như vậy, Khoản 3, Điều 58 sẽ được viết lại như sau: 3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng hợp pháp có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.   

Văn Minh (Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108252

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu