Thứ 6, 10/05/2024 01:20:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 16:29, 07/09/2013 GMT+7

Phát triển đất nước phải gắn với bảo đảm QP-AN

Thứ 7, 07/09/2013 | 16:29:00 91 lượt xem

Điều 11 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 13) có quy định như sau: 1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật. Theo tôi, để bản Hiến pháp được dễ hiểu, dễ thực thi và cụ thề là với Khoản 2, Điều 11 này cần được bổ sung nội dung “nghiêm cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật” vào ngay sau cụm từ “đều bị”. Vì, có quy định cụ thể như vậy thì nếu có những hành vi thỏa thuận vi phạm điều này thì tự nhiên hành vi đó đã vô hiệu ngay từ đầu, không ai được kiện ai ra tòa án dù là trong nước hay quốc tế. Do đó, Điều 11 sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ có nội dung như sau: 1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật”.

Điều 47 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 76) có quy định như sau: Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất. Theo suy nghĩ của tôi thì “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc” là hoàn toàn đúng, phù hợp. Vì ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, đã là công dân thì phải có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc của mình. Nhưng nếu quy định rằng “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” thì xem ra không ổn, vì khái niệm về “tội nặng nhất” rất trừu tượng, khó hiểu. Hơn nữa trong các văn bản pháp luật hiện hành ở nước ta, chưa có khái niệm nào là tội nặng nhất. Hơn nữa, trên thực tế thì hành vi phản bội Tổ quốc trong mỗi trường hợp có mức độ khác nhau và người phạm tội sẽ phải chịu các mức án khác nhau theo quy định của pháp luật. Và từ xưa cho đến nay, nếu ai phạm tội dù nặng đến mấy thì cũng chịu hình phạt nặng nhất là tử hình. Do đó, tôi đề nghị ở điều này cần được sửa đổi, bổ sung như sau: Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, nếu phản bội tổ quốc thì phải chịu hình phạt cao nhất của pháp luật”.

Điều 55 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 24, Điều 26) có nội dung như sau: 1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Tại khoản 1, theo tôi quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay. Vì thực tế lịch sử đã chứng minh, phát triển kinh tế không thể tách rời yếu tố phát triển xã hội và yếu tố bảo đảm quốc phòng - an ninh và ngược lại. Hơn nữa, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh là hai nhiệm vụ có mối quan hệ biện chứng với nhau, luôn song hành với nhau làm chỗ dựa cho nhau thì mới đảm bảo tính vững chắc của nền kinh tế. Do đó, tôi đề nghị ở Khoản 1 cần được bổ sung nội dung “gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh” vào ngay sau cụm từ “địa phương”, đồng thời ở ngay trước cụm từ này cần bổ sung thêm dấu chấm phảy (;) cho rõ nghĩa.

Ở khoản 2 của điều này, tôi đề nghị bỏ bớt một từ “và” ở ngay sau cụm từ “lãnh thổ”, đồng thời thay vào đó là một dấu phẩy (,). Vì nếu viết như trên thì chỉ trong một đoạn văn ngắn đã có hai từ “và” được lặp lại nên làm cho câu văn khó hiểu và rắc rối thêm. Như vậy, sau khi đã được sửa đổi, bổ sung thì Điều 55 được viết lại như sau: 1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Vĩnh Hòa (Đồng Phú)

  • Từ khóa
108250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu