Thứ 5, 09/05/2024 21:57:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:31, 02/09/2013 GMT+7

Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang

Thứ 2, 02/09/2013 | 10:31:00 181 lượt xem

* Tại Khoản 2, Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 4) có nội dung như sau: 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như trên là đúng nhưng chưa chuẩn xác, chưa chặt chẽ và vẫn còn có kẽ hở để kẻ xấu có thể lợi dụng việc giám sát, góp ý để gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì thực tế đã xảy ra không ít trường hợp lấy danh nghĩa là góp ý xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng nhưng thực chất là để đưa ra những ý kiến, kiến nghị trái với quan điểm, đường lối của Đảng, gây dư luận xấu trong xã hội, bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Để tránh những trường hợp trên, tôi đề nghị ở Khoản 2 cần bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật và” vào sau cụm từ “chịu sự giám sát của nhân dân”. Tức là việc giám sát của nhân dân đối với Đảng phải trên cơ sở pháp luật, chứ không thể lợi dụng quyền được giám sát rồi đưa ra những yêu cầu trái pháp luật, trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Nói tóm lại, giám sát Đảng là quyền của nhân dân, nhưng việc giám sát ấy phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, trong khuôn khổ của pháp luật cho phép. Như vậy, khoản này sẽ được viết lại như sau: 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

* Điều 31 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 74) có 3 khoản, là những quy định về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, nội dung của Điều 31 như sau: 1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Theo tôi quy định như trên chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ. Vì ở đây có hiến định rõ về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng lại chưa có chế tài đối với hành vi lợi dung quyền về khiếu nại, tố cáo để khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Vì trong thực tế đã xảy ra trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để gây nhiễu thông tin, vu cáo cán bộ, bôi nhọ cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo vào các dịp chuẩn bị nhân sự cấp ủy hoặc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp... Vì vậy, với nội dung của Khoản 1 và Khoản 2 tôi không có ý kiến gì, nhưng ở Khoản 3, tôi đề nghị bỏ từ “hoặc” và thay vào đó bằng từ “và”. Đồng thời cần bổ sung vào phần cuối của khoản này nội dung như sau: “Hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và cá nhân”. Như vậy, Khoản 3, Điều 31 sẽ được viết lại như sau: 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo và lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác; hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và cá nhân.

* Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) trong dự thảo có quy định như sau: Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Theo tôi, khái niệm an ninh quốc gia không đồng nhất với khái niệm an ninh chính trị đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị ở điều này cần bổ sung cụm từ “bảo vệ an ninh chính trị đất nước” trước cụm từ “an ninh quốc gia”. Vì có hiến định như vậy mới chỉ rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng vũ trang ngoài nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là phải bảo vệ được an ninh chính trị của đất nước để ổn định phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, điều này được viết lại như sau: Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị đất nước, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.               

Nhật Minh (Bù Đăng)

  • Từ khóa
108247

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu