Thứ 5, 09/05/2024 14:12:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 13:09, 16/08/2013 GMT+7

Tăng thẩm quyền cho Quốc hội

Thứ 6, 16/08/2013 | 13:09:00 51 lượt xem

Điều 53 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Điều 43) có nội dung như sau: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì nội dung trên chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. Hơn nữa, ở phần đầu của điều này dự thảo cũng đã khẳng định: Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực. Và vấn đề ở đây là nội lực của chúng ta là gì? Không nói thì ai cũng biết nước ta là một nước nông nhiệp. Vì thế, chúng ta cần khẳng định rõ vị trí, vai trò của nông nghiệp nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thực tế kinh tế thế giới trong những năm gần đây cho thấy, nông nghiệp ít bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Những năm qua, phần lớn nguồn thu từ xuất khẩu của nước ta đều từ nông nghiệp. Và hiện nay, xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, thủy sản của nước ta thuộc diện đứng đầu thế giới. Từ quan điểm trên tôi đề nghị bổ sung cụm từ “phát triển nông nghiệp” vào ngay sau cụm từ “tích cực hội nhập quốc tế”. Như vậy, Điều 53 sẽ được viết lại như sau: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Điều 75 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) có 15 khoản là những quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Khoản 1 và 2 của điều này có nội dung như sau: 1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; 2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

Theo ý kiến của cá nhân tôi ở ngay đầu của Khoản 1 trong dự thảo có dùng cụm từ “làm Hiến pháp”, “làm luật” xem ra không đúng, cũng không chuẩn xác về ngữ nghĩa. Động từ “làm” thường được dùng để chỉ ai đó đang làm một việc gì cụ thể. Hơn nữa, Hiến pháp là một văn bản pháp luật cao nhất, là luật gốc, luật “mẹ” mà dùng từ “làm” ở đây là không phù hợp. Vì vậy, tôi đề xuất thay từ “làm” bằng cụm từ “xây dựng” ở Khoản 1 và thay cụm từ “làm luật” bằng cụm từ “xây dựng luật” ở cuối khoản này. Vì từ trước tới nay, trong các văn kiện của Đảng và nhà nước vẫn thường dùng cụm từ “xây dựng các văn bản pháp luật”. Hơn nữa, xây dựng các văn bản pháp luật thì ai cũng hiểu đó là việc soạn thảo, bàn luận, trao đổi. Và đây là một trong những công việc chính của Quốc hội. 

Cũng tại Khoản, Điều 75, tôi đề nghị bổ sung nội dung “khi được hai phần ba đại biểu Quốc hội đề nghị và có đa số nhân dân đồng tình qua trưng cầu dân ý” vào ngay sau cụm từ “sửa đổi Hiến pháp”. Có như vậy mới phù hợp với nội dung của điều và quyền phúc quyết của nhân dân như ở lời nói đầu của dự thảo. 

Ở Khoản 2, tôi đề nghị bổ sung nội dung “đối với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước” vào ngay sau cụm từ “nghị quyết của Quốc hội”. Có như vậy mới thể hiện rõ quyền năng của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở nước ta. Như vậy, Điều 75 được viết lại như sau: 1. Xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp khi được hai phần ba đại biểu Quốc hội đề nghị và có đa số nhân dân đồng tình qua trưng cầu dân ý; xây dựng luật và sửa đổi luật; 2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội đối với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập;. 

Tiến Hoàng (Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108240

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu