Thứ 5, 09/05/2024 21:49:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:20, 15/08/2013 GMT+7

Quyền của Quốc hội

Thứ 5, 15/08/2013 | 08:20:00 42 lượt xem

* Điều 39 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 64), có nội dung như sau: 1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung được quy định tại Khoản 2, là: Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Còn lại nội dung của Khoản 1 xem ra chưa ổn. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là chưa đúng, chưa phù hợp với tình hình thực tế trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay, cũng như trên thế giới. Vì đứng ở góc độ quyền con người, những người không phải là nam mà cũng không phải là nữ và người ta thường gọi là người đồng tính, họ cũng là người và cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Do đó, họ cũng có quyền tạo lập mối quan hệ với nhau. Cụ thể hóa của việc tạo lập mối quan hệ đó chính là hôn nhân của những người đồng giới.

Hiện nay, trong xã hội có biết bao cặp đồng tính đã và đang sống chung với nhau, nhưng quan hệ hôn nhân của họ chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, họ không được hưởng một số quyền lợi cơ bản mà pháp luật quy định đối với những người rõ giới khác. Đó là quyền thừa kế theo pháp luật và vì họ không thể đại diện cho nhau nên quyền tài sản, quyền nhân thân, quyền bảo lãnh, cam kết khi một trong hai người bị đau ốm... của họ cũng không được thực thi vì pháp luật chưa cho phép. Hơn nữa, họ phải chịu nhiều định kiến, kỳ thị từ xã hội. Khoa học đã chứng minh, đồng tính là một khuynh hướng tính dục bình thường và tự nhiên, hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hôn nhân khác giới.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa vấn đề này và cho thấy việc này chỉ mang lại hạnh phúc thêm cho xã hội. Vì vậy, trong Hiến pháp không nên sử dụng từ ngữ phân biệt giới tính như “nam, nữ” hay “vợ chồng” để tạo tiền đề cho việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới ở Việt Nam. Vì vậy, tôi đề xuất ở phần đầu Khoản 1 của điều này cần được bổ sung cụm từ “mọi công dân đều” để thay cho cụm từ “nam, nữ”. Đồng thời bỏ cụm từ “một vợ, một chồng, vợ chồng” và thay vào đó cụm từ “đơn hôn”. Tiếp đó, bỏ dấu “,” ở sau cụm từ “bình đẳng” để thay vào đó bằng từ “và”. Như vậy, Khoản 1 của Điều 39 được viết lại như sau: 1. Mọi công dân đều có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, đơn hôn, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

* Điều 74 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) có quy định như sau: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chuẩn xác, không logic, không chặt chẽ. Vì tại Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp đã khẳng định rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân... Do đó, “quyền lập hiến” không phải là của Quốc hội, mà là của nhân dân và nhân dân có quyền phúc quyết.

Vì vậy, tôi đề xuất ở điều này cần được lược bỏ cụm từ “quyền lập hiến” ở sau cụm từ “Quốc hội thực hiện”. Đồng thời bổ sung nội dung “các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội” vào ngay sau cụm từ “Nhà nước” ở phần cuối. Như vậy, Điều 74 sẽ được viết lại như sau: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.

Nhật Minh (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108239

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu