Thứ 5, 09/05/2024 15:17:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 15:50, 30/07/2013 GMT+7

Quyền hiến tặng bộ phận của cơ thể

Thứ 3, 30/07/2013 | 15:50:00 74 lượt xem

* Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng, đầy đủ và thể hiện được rõ bản chất của Nhà nước ta - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên ở phần cuối của điều này, tôi đề xuất bổ sung thêm từ “và” vào trước cụm từ “hành pháp” và trước cụm từ “tư pháp”, cho phù hợp với lôgíc cũng như ngữ pháp của tiếng Việt.

* Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 4 khoản, trong đó ở Khoản 3 có nội dung như sau: “... 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Theo suy nghĩ của tôi quy định như trên là đúng nhưng chưa rõ ràng và chưa cụ thể. Vì với nội dung trên, phần hai của Khoản 3 này có hai vế rõ ràng. Vế thứ nhất là “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc” và vế thứ hai là “phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Phân tích như trên chúng ta sẽ thấy nội dung của vế thứ hai bị khập khiễng ở chỗ “phát huy những phong tục... của mình”. Vì vậy, ở đây tôi đề xuất bổ sung thêm cụm từ “dân tộc” vào trước từ “mình” và sau từ “của”. Như vậy, Khoản 3 này được viết lại như sau: 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

* Điều 16 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều có nội dung hoàn toàn mới, với 2 khoản và Khoản 2 có quy định như sau: “...2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là trúng nhưng chưa đúng và chưa rõ ràng, cụ thể, lại khó hiểu. Vì vậy, tôi đề xuất ở Khoản 2 này cần bổ sung từ “ai” ngay sau từ “không” ở đầu câu. Vì có như vậy mới thể hiện rõ sự khẳng định dứt khoát rằng không ai, dù người đó có chức vụ cao đến đâu và quyền hạn như thế nào cũng không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia. Do đó, khoản này được viết lại như sau: Không ai được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

* Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 3 khoản, trong đó ở Khoản 3 có nội dung như sau: “...3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý”. Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới so với Hiến pháp hiện hành, đồng thời thể hiện rõ sự tiến bộ của dự thảo Hiến pháp sửa đổi và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Vì hiện nay, hằng ngày đang có biết bao người cần thay thế một bộ phận của cơ thể, nhưng không có người hiến tặng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, tìm ra các loại thuốc mới và phương pháp trị bệnh mới cũng cần có người sẵn sàng chấp thuận thử nghiệm mới có thể khẳng định kết quả.

Tuy nhiên, đối với những người đã có đầy đủ quyền công dân, tức là trên 18 tuổi trở lên thì việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác... hoặc cho thử nghiệm y học, dược học, khoa học... là điều có thể, vì pháp luật cho phép. Nhưng đối với những người chưa thành niên, chưa đủ tuổi thực hiện hết các quyền công dân thì việc này quả là khó, nếu dự thảo trên không sửa đổi. Vì vậy, tôi đề xuất ở khoản này cần bổ sung cụm từ “hoặc người đại diện” vào sau cụm từ “người đó”, cho rõ hơn. Như vậy, Khoản 3 được sửa đổi và viết lại như sau: 3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó hoặc người đại diện đồng ý.    

Như Nhất (TX. Phước Long)

  • Từ khóa
108235

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu