Thứ 5, 09/05/2024 23:06:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:27, 20/06/2013 GMT+7

Trách nhiệm của cán bộ, công chức

Thứ 5, 20/06/2013 | 10:27:00 41 lượt xem

Tại khoản 2, Điều 8 (sửa đổi, bổ sung Điều 8) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo tôi thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ, chưa phù hợp yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, việc “học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang có sức lan tỏa rộng lớn và hiệu quả vô cùng thiết thực.

Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung nội dung “suốt đời học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào ngay sau cụm từ “của nhân dân”. Đồng thời, bổ sung cụm từ “tích cực phòng” vào ngay trước cụm từ “chống tham nhũng”. Như vậy, Khoản 2, Điều 8 được viết lại như sau: 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; suốt đời học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tích cực phòng, chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nội dung của Khoản 2, Điều 16 (mới) trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ và dễ gây hiểu nhầm trong quá trình thực thi Hiến pháp. Đây là chế tài để nghiêm cấm, ngăn chặn hành vi lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống ngày nay cho thấy, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người khác là những người xung quanh, là anh em, người thân, là đồng chí, đồng nghiệp… nên giữa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân luôn có quan hệ mật thiết với quyền và lợi ích hợp pháp của những người xung quanh. Do đó, nếu không nghiêm cấm, ngăn chặn hành vi xâm phạm chính quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người xung quanh. Vì vậy, ở khoản này tôi đề nghị bổ sung cụm từ “bản thân và” vào ngay trước cụm từ “người khác”. Như vậy, Khoản 2, Điều 16 được viết lại như sau: 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và người khác.

Điều 46 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những điều hoàn toàn mới và có nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên không những còn thiếu, mà còn không ổn, không phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu cần bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay. Cụ thể là ngày nay, môi trường sống của chúng ta đã và đang bị ô nhiễm trầm trọng, đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi những hành vi cố ý và vô ý của mọi người. Đặc biệt là ở các khu đô thị hiện ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng không chỉ từ không khí, đất, nước, âm thanh, ánh sáng, màu sắc… Trong khi đó, ở Khoản 2 của điều này mới chỉ khẳng định là “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, thì chưa đủ. Vì vậy, tôi đề xuất ở Khoản 2 của điều này cần bổ sung chế tài để ngăn cấm hành vi gây ô nhiễm môi trường, như sau: Nghiêm cấm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Và có như vậy thì nghĩa vụ mới đi cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Do đó, Điều 46 được viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung của Điều 61 trong Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động. 2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Đây là nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56 trong Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay của đất nước cho thấy nội dung của Điều 55 và 56 trong Hiến pháp 1992 không còn phù hợp. Vì từ nhiều năm nay, tình trạng lao động có năng lực cao, chuyên môn giỏi không trụ được trong các cơ quan nhà nước vì tiền lương thấp, nên họ phải bỏ để đi làm ở ngoài dẫn đến hiệu quả làm việc trong nhà nước không cao. Vì vậy để tập trung được nguồn nhân lực có chuyên môn, năng lực tốt cho các cơ quan nhà nước là việc làm cần thiết và cấp bách. Trong khi đó, nội dung của Điều 55, Điều 56 của Hiến pháp năm 1992 không đề cập đến vấn đề này. Do đó, tôi đề xuất là trong Điều 61 cần được bổ sung một khoản mới (khoản 3), với nội dung như sau: 3. Nhà nước có chính sách trọng dụng nhân tài vào làm việc cho các cơ quan nhà nước. Có như vậy mới khắc phục được lỗ hổng về nguồn nhân lực có chuyên môn, có năng lực giỏi trong các cơ quan nhà nước hiện nay. Đồng thời, ngăn chặn được tình trạng “chảy máu” chất xám từ khu vực Nhà nước.

Hoàng Vinh (Bù Gia Mập)

  • Từ khóa
108224

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu