Thứ 2, 20/05/2024 13:11:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 15:40, 28/02/2013 GMT+7

Cần bảo đảm đầy đủ quyền công dân

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:40:00 90 lượt xem

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang nhận được những ý kiến góp ý sôi nổi của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Vấn đề quan tâm của nhiều người có lẽ là việc góp ý kiến nhằm khẳng định và làm rõ quyền con người trong dự thảo Hiến pháp. Không chỉ dành riêng một chương (Chương II) để quy định “Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; mà ngay tại Điều 2 của Chương I Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nêu rõ: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Nội dung này Hiến pháp năm 1992 cũng đã nêu, nhưng có những điều sau lại mâu thuẫn với nội dung này, nay điều đó không những không xảy ra mà còn thêm Điều 6 bổ sung và hoàn thiện hơn. Theo đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ không chỉ thông qua Quốc hội, HĐND mà còn “thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Về quyền cụ thể của con người, Hiến pháp năm 1992 để ở Chương IV, nay đã đưa lên Chương II, cũng đồng nghĩa với vai trò, vị trí thứ hai. Đồng thời, dự thảo Hiến pháp cũng nói rõ: “Quyền con người, quyền của công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 15).

Tuy vậy, trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến, quyền nhân dân vẫn còn khá chung chung. Theo tôi, nên dành cho nhân dân có quyền bỏ phiếu bầu người đứng đầu cơ quan hành pháp Trung ương và địa phương, cụ thể ở đây là chức danh Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bởi lẽ, đây là những chức danh có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích người dân, là người đại diện cho nhân dân, thực hiện những mong ước trong cuộc sống của người dân. Điều 103 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, là người đứng đầu Chính phủ”;  theo tôi nên quy định: “Thủ tướng Chính phủ do nhân dân bầu thông qua tranh cử”.

Một khía cạnh khác liên quan đến quyền công dân, quyền con người được nhiều người thảo luận, góp ý lại là một chủ đề “nóng” trong dư luận hiện nay là công nhận hay không hôn nhân đồng giới?. Điều 39: “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn...”, quy định như vậy là không đảm bảo quyền kết hôn và lập gia đình cho người đồng tính, song tính và chuyển giới tính. Nên chăng sửa lại điều luật này là: “Mọi công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hai người độc thân có quyền kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện...” Điều 27 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình... 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”. Tôi nghĩ rằng, tất cả những người có quốc tịch Việt Nam đều và đã là công dân Việt Nam thì phải bình đẳng. Điều 27 chỉ nhấn mạnh “công dân nam, nữ” vô hình chung cũng đã loại bỏ những công dân là người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới. Theo tôi chỉ sử dụng cụm từ “công dân” trong điều luật để đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, quy định các hành vi bị cấm nên bổ sung nội dung nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và bản dạng giới vì nó liên quan đến yếu tố gia đình.   

Đinh Thế (TX. Phước Long)

  • Từ khóa
108179

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu