Thứ 2, 20/05/2024 14:36:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 16:02, 22/02/2013 GMT+7

“Lời nói đầu” cần ngắn gọn hơn

Thứ 6, 22/02/2013 | 16:02:00 870 lượt xem

So sánh về số từ trong “Lời nói đầu” của bản Hiến pháp năm 1946 và “Lời nói đầu” trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì vẫn còn dài và gần gấp đôi. Cụ thể là “Lời nói đầu” trong bản Hiến pháp năm 1946 có 241 từ; Hiến pháp năm 1959 có 1.282 từ; Hiến pháp năm 1980 có 1.712 từ; Hiến pháp năm 1992 có 534 từ; Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) có 538 từ và Dự thảo Hiến pháp lần này có 448 từ.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì “Lời nói đầu” của Hiến pháp cần được viết thật ngắn gọn, súc tích, nhưng phải chứa đựng đầy đủ ý nghĩa và phải thể hiện được chủ thể quyền lập hiến (là nhân dân) cũng như mục đích của Hiến pháp. Ví dụ như trong “Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám là “... đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan...” và khẳng định “Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới”.

Đồng thời, tuy ngắn gọn, song trong “Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1946 cũng đã khẳng định rõ nhiệm vụ của cả dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới là “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Bên cạnh đó, trong “Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1946 cũng đã chỉ rõ nguyên tắc xây dựng Hiến pháp là “... Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân...”.

Và không những chỉ có thế, mà trong “Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1946 cũng đã nêu bật được mục đích, ý nghĩa lớn lao của Hiến pháp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân “... Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”.

Xuất phát từ quan điểm trên, theo ý kiến của cá nhân tôi, phần “Lời nói đầu” của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được lược bỏ 107 từ cho ngắn gọn (còn lại 331 từ), nhưng không làm sai lệch ý nghĩa cũng như mục đích của Hiến pháp:

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Luật gia: Kim Ngọc (Bù Gia Mập)

  • Từ khóa
108178

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu