Thứ 2, 20/05/2024 13:12:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 21:15, 14/02/2013 GMT+7

Quyền công dân cần được quy định cụ thể hơn

Thứ 5, 14/02/2013 | 21:15:00 107 lượt xem

 

Điều 21 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những điều hoàn toàn mới và đây cũng là điều ngắn nhất, chỉ có 5 từ: Mọi người có quyền sống.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy e rằng chưa chặt chẽ và không đầy đủ. Vẫn biết quyền sống là quyền quan trọng nhất đối với mỗi con người được sinh ra và sống trên trái đất. Tuy nhiên, người ta không phải sinh ra chỉ để được quyền sống, mà còn phải có những quyền khác thì cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Tức là con người khi đã được sống thì rất cần có quyền mưu cầu hạnh phúc. Và khi đã có hạnh phúc thì phải biết thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình trước những hành vi, việc làm sai trái của người khác để đấu tranh phê phán, bài trừ cái xấu và cùng tích cực xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở điều này cần bổ sung cụm từ: Quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được thể hiện chính kiến của mình. Hơn nữa, tại Điều 30 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng có quy định như sau: Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Đây cũng là một trong những quyền để thể hiện chính kiến của mình. Vì thế, theo tôi thì Điều 21 trong Dự thảo cần được viết lại như sau: Mọi người có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền thể hiện chính kiến của mình.

Ở Khoản 3 của Điều 22 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý. Theo tôi, quy định như vậy là chưa ổn. Bởi nếu là “mọi người” thì trong đó có cả trẻ em, người già không còn đủ minh mẫn và thậm chí còn có cả người không đủ năng lực hành vi dân sự. Và tất cả những người thuộc diện kể trên đã không kiểm soát được năng lực hành vi dân sự của mình thì cũng không thể quyết định được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật.

Ở vế thứ hai của khoản này có quy định như sau: Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý. Cũng trên cơ sở lý luận trên, nếu “người đó” là người không có đủ năng lực hành vi dân sự thì cũng không thể quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc đồng ý hay không đồng ý cho phép thực hiện thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người. Chỉ có những người có đủ năng lực hành vi dân sự mới tự mình quyết định và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình về việc hiến tặng bộ phận cơ thể hoặc cho phép hay không cho phép thực hiện việc thử nghiệm y học trên cơ thể mình. Mà chỉ có công dân (có quyền công dân) mới là những người có đủ năng lực hành vi dân sự. Theo từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2002, trang 172 thì công dân, là: “Người trong một quốc gia có bổn phận với Tổ quốc và có đủ quyền chính trị”.

Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì Khoản 3, Điều 22 cần được viết lại như sau: 3. Mọi công dân đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được công dân đó đồng ý.

Hoàng Tuấn

(Đức Phong, Bù Đăng)

  • Từ khóa
108176

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu