Thứ 2, 20/05/2024 13:52:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:49, 25/01/2013 GMT+7

Khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Thứ 6, 25/01/2013 | 10:49:42 65 lượt xem

Tại Điều 1 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Nếu trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ghi như vậy là chưa ổn, vì không đầy đủ. Như chúng ta đã biết, từ nhiều nguồn tư liệu và những chứng cứ lịch sử cho thấy tổ tiên ta từ thời phong kiến xa xưa đã là người đặt chân và cũng là người quản lý, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và thời gian gần đây, các nhà khoa học đã công bố nhiều tài liệu, bản đồ và nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các nước trong khu vực cũng đã từng thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của họ. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo này là không thể phủ nhận và phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Và trong Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là một trong nhưng nước đầu tiên tham gia, có quy định cụ thể về lãnh hải, thêm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, đảo, quần đảo và vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Hơn nữa, trong Điều 1 của Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, có ghi: Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Từ những phân tích trên, theo ý kiến của cá nhân người viết thì điều này cần được viết lại như sau: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, đảo, các quần đảo trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển và vùng trời.

Liên quan đến vấn đề này, người viết bài cũng đề nghị sửa nội dung trong khoản 1 của Điều 115. Cụ thể, vì ở dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại khoản 1 Điều 115 có ghi như sau: 1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.

Lịch sử đã chứng minh và các nhà khoa học, các nhà hàng hải ở châu Âu từ thế kỷ XVI, XVII và XVII cũng đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và thực tế Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, từ lâu chúng ta đã công bố với thế giới về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, một lần nữa trong Hiến pháp cần khẳng định rõ chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo này. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân của người viết bài thì khoản 1 Điều 115 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được viết lại như sau: 1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; thành phố Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa, tỉnh Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa...

Bài viết trên đây chỉ là ý kiến riêng của một cá nhân, Tòa soạn rất mong nhận được sự góp ý nhiệt tình, tâm huyết, trí tuệ của bạn đọc gần xa cho chuyên mục này.

Thanh Hải

(Phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108169

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu